[Chuyện nghề] Học sinh chính là sợi dây níu chặt tôi với nghề
Ngày đăng: 16/11/2024
Đó là chia sẻ của cô Lê Thị Thu Hà, một giáo viên Toán với 12 năm tận tụy với nghề luôn nhắc đến khi chia sẻ về hành trình sự nghiệp của mình. Không ít lần cô từng chán nản, muốn buông bỏ vì áp lực từ công việc và cuộc sống, nhưng chính sự đáng yêu, nỗ lực và tiến bộ từng ngày của học sinh đã trở thành động lực mạnh mẽ để cô tiếp tục bước đi trên con đường giáo dục.
Toán không phải là định hướng đầu tiên trong hành trình sự nghiệp của cô Hà. Ban đầu, môn học này cô được truyền cảm hứng từ một người thân. Nhưng khi gắn bó lâu dài, cô nhận ra mình yêu thích nó bởi sự logic và những thử thách kích thích tư duy.
“Cảm giác chiến thắng mỗi khi giải được một bài toán khó khiến mình phấn khích như vừa chinh phục được một đỉnh cao nào đó,” cô Hà chia sẻ. Cô nhận ra, Toán học không chỉ là thế mạnh của mình mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Với cô, Toán học mang lại sự cân bằng, mọi thứ đều có câu trả lời, và mỗi lời giải đều được lý giải một cách rõ ràng, mạch lạc.
Đổi mới tư duy – “Làm gì để học sinh yêu Toán?”
Khi bắt đầu đứng lớp, cô Hà cảm nhận được niềm vui khác biệt – niềm vui khi nhìn thấy ánh mắt học trò sáng lên vì hiểu bài. Dù ban đầu học sinh còn rụt rè, hay thậm chí muốn bỏ cuộc, cô vẫn kiên trì giảng dạy, động viên các con. "Với mình, thành công không phải là điều gì đó lớn lao, mà là sự tiến bộ từng ngày của các con," cô tâm sự.
Hành trình giảng dạy của cô Hà không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức. Từ khi chuyển sang làm việc tại FPT Schools, cô đối mặt với những thử thách mới. "Làm gì để học sinh yêu Toán, không sợ môn học?" – câu hỏi ấy luôn là nỗi trăn trở, thôi thúc cô tìm kiếm những phương pháp sáng tạo và gần gũi hơn để dạy học.
Cô đặc biệt tâm đắc câu nói của Giám đốc điều hành Fschools Cầu Giấy Phạm Thị Khánh Ly: “Cái gì tốt cho học sinh thì em cứ mạnh dạn làm”. Lời khuyên này giúp cô Hà giảm bớt áp lực, mở lòng sáng tạo và tiếp cận học sinh một cách mềm mại hơn. Cô tìm các chủ đề quen thuộc trong đời sống, liên hệ với Toán học, biến chúng thành những dự án thú vị để học sinh tham gia.
Sau nhiều dự án được tổ chức thành công, cô nhận thấy học sinh không chỉ tiến bộ mà còn bắt đầu yêu thích môn học hơn. Các con nhận ra rằng, Toán không hề khô khan hay khó hiểu mà rất gần gũi và thú vị.
Hành trình cùng học sinh THCS – Những bước ngoặt đáng nhớ
Làm việc với học sinh cấp THCS, cô Hà ví von như làm việc với hai thế giới khác biệt. Với khối 6, các em vẫn còn trẻ con, cần sự kiên nhẫn và dỗ dành. Khối 7 và 8, các em bắt đầu thể hiện cá tính mạnh mẽ, cần các thầy cô nhạy bén để nhanh chóng phát hiện và xử lý vấn đề. Đến lớp 9, thầy cô trở thành người định hướng, đồng hành cùng các con vượt qua áp lực của kỳ thi chuyển cấp quan trọng.
Không ít lần, những khoảnh khắc đáng nhớ với học sinh khiến cô Hà thêm yêu nghề. Cô kể về một bạn học sinh từng chuyển trường nhưng sau đó quay lại trường, tặng cô bức thư với lời cảm ơn chân thành: “Cảm ơn cô đã giúp con yêu thích môn Toán hơn. Điều con tiếc nuối nhất là không được học cô nữa.”
Kỷ niệm đáng nhớ khác là lần cô đạt danh hiệu "Best Teacher" tại FPT Schools Cầu Giấy. Khi đang đứng dưới sân trường cùng học sinh, tên cô được MC sướng lên, cả cô và trò đều bất ngờ, cùng nhau lên sân khấu nhận giải thưởng này. “Đó là khoảnh khắc ý nghĩa nhất trong những năm qua của tôi,” cô Hà xúc động chia sẻ.
Là giáo viên, phải không ngừng học hỏi
Với cô Hà, để trở thành một giáo viên giỏi không chỉ cần chuyên môn vững vàng mà còn cần sự tỉ mỉ và nhiệt tình. “Nếu mình tỉ mỉ, mình sẽ rèn cho học sinh những đức tính tốt như kỷ luật, tác phong.” Cô cũng cho rằng, giáo viên nhiệt huyết chính là người truyền lửa, giúp học sinh yêu thích môn học và tin tưởng vào chính mình.
Không ngừng học hỏi cũng là điều cô Hà luôn nhấn mạnh. “Học không chỉ là đi học, tham gia các khóa học, mà còn là tự ngẫm lại bản thân, tự cải thiện.” Cô không ngại thử nghiệm những phương pháp mới, cười nhiều hơn, trò chuyện với học sinh nhiều hơn để tạo sự kết nối.
Nhìn lại 12 năm gắn bó với nghề, cô Hà thừa nhận từng có những lúc cảm thấy áp lực đè nặng. Nhưng mỗi khi nghĩ đến học sinh, cô đều lấy lại năng lượng. “Nếu mình không làm giáo viên, thì có lẽ mình đã không có được những cảm xúc tuyệt vời này.”
Đi bất cứ đâu, gặp lại học sinh cũ, nghe tiếng gọi “Cô Hà!” với ánh mắt thân thương, cô cảm nhận được sự tôn trọng từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Đó là những giá trị mà nghề giáo mang lại – những giá trị khiến cô không thể từ bỏ nghề, dẫu có khó khăn đến đâu.
Và trên hết, chính học sinh là lý do khiến cô mãi gắn bó với nghề – sợi dây vô hình nhưng mạnh mẽ níu giữ cô trong hành trình đầy ý nghĩa này.