[Chuyện nghề] Thầy cô là “Những người làm vườn đặc biệt”
Ngày đăng: 18/11/2024
Loại bỏ những hạt mầm tiêu cực, tưới ẩm những hạt mầm của sự tử tế, chăm chút cho những chồi non, nuôi dưỡng một cái cây dần trưởng thành, đó phải chăng là công việc giản dị và thiêng liêng nhất của một Người Thầy?
Cô Nguyễn Huệ - giáo viên dạy Ngữ Văn tại Fschools Cầu Giấy là một người như thế. Với cô, môn Ngữ văn không chỉ là những bài giảng, mà là hành trình khám phá tâm hồn, dẫn dắt học sinh vào thế giới của ngôn ngữ, văn hóa dân tộc và những giá trị nhân văn sâu sắc.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp cô Huệ vào một buổi sáng sớm là hình ảnh cô cầm trên tay rất nhiều bức thư tay và một đôi mắt giàu xúc cảm. Đó là những lá thư chứa đựng tình cảm chân thành của học sinh, phần lớn trong số đó đều là những bức thư từ các con học sinh cô đã dìu dắt từ khoảnh khắc đầu tiên khi các con bước chân vào mái trường THCS FPT.
Cô Huệ chia sẻ rằng, cô nâng niu và trân quý vô cùng những lá thư tay đến từ các con và các bố mẹ, bởi lẽ giữa thời đại số bộn bề những công việc, ai ai cũng cần có những phút giây lắng lại, sống chậm hơn, tìm thấy những khoảnh khắc bình an thực sự trong tâm hồn. Những lá thư tay đã giúp cô tìm được điều đó và lan tỏa sự bình an đến với các con học sinh và các bố mẹ. Mỗi lần nhìn lại những dòng chữ viết tay của các con, cô không chỉ thấy được những tiếng nói quen thuộc vang lên bên tai mình, những khuôn mặt và dáng hình thân thương đang hiện hữu mà còn là những tâm sự rất riêng của các con. Vì lẽ đó, với cô, mỗi bức thư tay là một vùng kí ức rất đặc biệt trong hành trình dạy học của mình.
Cái duyên với ngôn ngữ
Từ nhỏ, cô Huệ đã đam mê hội họa và có cảm hứng đặc biệt với màu sắc. Mơ ước trở thành họa sĩ từng là một phần trong tâm trí cô. Tuy nhiên, khi nghe lời khuyên của bố mẹ rằng hãy để hội họa trở thành một sở thích thay vì là nghề nghiệp chính, cô cảm thấy không khỏi buồn lòng. Trong khoảnh khắc ấy, cô đã ngồi xuống viết một lá thư cho chính mình. Những dòng chữ ấy đã giúp cô xoa dịu nỗi buồn, đồng thời giúp cô nhận ra rằng, ngôn ngữ có một sức mạnh kì diệu đối với thế giới tâm hồn của mỗi người. Và chính lá thư đó đã mở ra một cánh cửa mới, đưa cô đến với ngôn ngữ, với văn chương.
Từ một cô bé say mê văn học, cô học sinh đam mê văn chương, đến một giáo viên Ngữ văn, một dấu mốc đã tiếp sức cho cô trong chặng đường dài đó chính là kết quả trong kì thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn. Đó được xem là “hoa trái ngọt ngào” dẫn lối cô đến với hành trình lan tỏa tình yêu Ngữ văn đến với các thế hệ học trò.
Làm giáo viên cũng giống như làm vườn
Bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, cô Huệ nhận thấy rằng, nghề giáo không chỉ đơn thuần là công việc truyền đạt kiến thức. Đó còn là một công việc thiêng liêng, giống như nghề làm vườn chăm sóc một khu vườn đặc biệt – khu vườn “tâm hồn” của mỗi đứa trẻ.
“Mỗi ngày, công việc của người tôi là chăm chút những hạt mầm, loại bỏ những hạt mầm tiêu cực và tưới mát những hạt mầm tích cực, để chúng có thể phát triển thành những cây cứng cáp và trưởng thành. Công việc của tôi không chỉ là dạy Văn mà còn là dạy các em biết cảm nhận cái đẹp, yêu thích cái đẹp và sống với cái đẹp dù cho đó là những khoảnh khắc giản đơn nhất của đời sống”, cô Huệ tâm niệm.
Vì lẽ đó, một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của cô Huệ chính là khi thấy học sinh của mình biết rung động với cái đẹp trong văn chương, tinh tế nhận ra giá trị của đời sống để nâng niu, trân trọng. Khi biết rung động trước cái đẹp, tinh tế nhận ra giá trị của đời sống, môn Ngữ văn trở nên gần gũi, dễ dàng hơn bao giờ hết.
Cô cho rằng, mỗi học sinh là một cá thể độc đáo và cần được cá nhân hóa trong cách dạy. Nếu coi mục tiêu bài học là một bến bờ, cô luôn tạo cho học sinh của mình những con đường khác nhau để gặt hái được mục tiêu đó. Vì thế, một học sinh sôi nổi hay khép kín, tư duy logic tốt hay tư duy hình ảnh tốt đều được cô khuyến khích và định hướng thể hiện khả năng của mình theo những cách riêng.
Những khoảnh khắc đáng nhớ
Trong suốt hai năm qua, cô Huệ đã nhận được hơn 300 bức thư tay từ học sinh. Mỗi bức thư là một câu chuyện, một kỷ niệm, một lời cảm ơn chân thành. Góc làm việc của cô đầy ắp những lá thư tay, mỗi lần nhìn lại, cô lại thấy nhiệt huyết trong mình. Trong buổi trò chuyện, cô Huệ đã đọc những lá thư vô cùng xúc động. Những lời chia sẻ như “Con cảm thấy cô gần gũi như người mẹ hiền” (Hải Phong), “Cô và mẹ con rất giống nhau, đôi khi con nhầm cô thành mẹ” (Khánh Minh), “Giây phút này, con rất xúc động, con nghĩ rằng lớp chúng mình yêu cô rất nhiều” (Đức Huy),… đã làm cô không khỏi nghẹn ngào.
Cô muốn học sinh không chỉ giỏi văn mà còn biết sống sao cho có chất văn học - để mỗi em trở thành những con người tinh tế, nhạy cảm với những giá trị văn hóa và có khả năng đóng góp cho xã hội bằng những cảm xúc, trí thức và nhân cách của mình.
Cảm ơn cô Huệ thật nhiều, vì cô đã không chỉ dạy văn mà còn dạy cho các con học sinh cách sống, cách yêu thương và trân trọng những giá trị của cuộc sống – sống sao cho đậm chất văn học.