Con chuyển cấp: Bố mẹ hãy trao cho con sự khoan hoà và tạo cho chính mình áp lực vừa đủ
Ngày đăng: 15/04/2022
Thay vì lao đầu đi tìm giải pháp, bố mẹ nên chậm lại một nhịp, soi chiếu lại bản thân và bóc tách từng nỗi lo. Đâu là những thứ chúng ta cần phải lo, đâu là điều chúng ta không cần quá bận tâm để tránh gây ảnh hưởng tâm lý cho chính mình và vô tình lại dồn lên con cái.
Đó là chia sẻ của các diễn giả trong hội thảo trực tuyến: “Đồng hành cùng con chuyển cấp – Chủ để Sức Khoẻ” do FPT Schools tổ chức ngày 11/4.
Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả: Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Hà Thành; MC Minh Trang - Người dẫn chương trình quen thuộc trên sóng VTV; Cô Hà Thị Thu Trang - Hiệu trưởng FPT Schools Cầu Giấy và Thầy Trần Vũ Quang - Giám đốc dự án FSchools Bắc Ninh.
Ngoài ra, hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và tham gia của gần 200 quý phụ huynh, học sinh đang chuẩn bị lên lớp 6.
Trong hai tiếng diễn ra chương trình, quý phụ huynh đã được lắng nghe những chia sẻ của các vị diễn giả về những thay đổi của con trong giai đoạn chuyển cấp, một số giải pháp để bố mẹ có thể đồng hành cùng con. Cũng tại buổi hội thảo, quý phụ huynh cũng được các vị khách mời giải đáp trực tiếp các thắc mắc, đưa ra những lời khuyên thiết thực, hữu ích.
Bố mẹ lo lắng thái quá, vô tình “trói” con vào những áp lực vô hình
Quá trình chuyển từ Tiểu học lên THCS là sự thay đổi lớn của học sinh. Các con bước vào giai đoạn dậy thì với nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, những áp lực vô hình mà nhiều khi cha mẹ không dễ dàng nhận ra.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm tham vấn, trị liệu tâm lý cá nhân, nhóm, và là chuyên gia về phát triển cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thành cho biết, điều phụ huynh cần nhận biết trong giai đoạn con chuyển cấp đó là sự lo lắng của chính mình: “Các con ở độ tuổi từ lớp 5 lên lớp 6, phần nhiều những áp lực, lo lắng là của bố mẹ đang dồn sang các con”.
“Nhiều bố mẹ nghĩ rằng con trẻ ngây thơ, không bị ảnh hưởng gì. Nhưng câu chuyện chuyển cấp, mong con đỗ đạt trường này trường kia bố mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần cả trong công việc, trong lúc ăn cơm, trong lúc hướng dẫn con học… vô tình áp lực ấy sẽ lây lan sang các con”, Chuyên gia tâm lý Hà Thành cho biết thêm.
Đặc biệt, trong hai năm học vừa qua, các con học sinh chủ yếu học tập trực tuyến để phòng dịch bệnh. Điều này khiến trẻ bị mất kết nối trực tiếp với thầy cô, bạn bè, nhà trường, nên ít có cơ hội để giải tỏa những năng lượng xấu, những cảm xúc tiêu cực.
Có một thực tế, phần lớn bố mẹ không nhận ra được mình đang lo lắng thái quá. MC Minh Trang, hot mom nổi tiếng cũng chia sẻ trong hội thảo rằng: “Tôi tiếp xúc với không ít phụ huynh và họ thể hiện sự lo lắng ra mặt nhưng không ý thức được điều đó”.
Vì vậy, không chỉ bố mẹ chịu nhiều áp lực mà ngay cả con trẻ cũng mang trong mình những stress và tổn thương vô hình. Với các con đang chuẩn bị bước sang cấp học mới, áp lực học tập, thi cử và môi trường mới đang đè nặng lên vai các con.
Bố mẹ nên khoan hoà với con và tạo cho mình áp lực vừa đủ
Sẽ không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con.
Để có thể làm bạn với con, giúp con giải tỏa xảm xúc, xây dựng lối sống lành mạnh và tích cực, TS Tâm lý Nguyễn Hà Thành khuyên Quý phụ huynh: “Phải thường xuyên khích lệ con, ngay cả khi con mắc lỗi. Đừng chỉ chờ đến khi con đạt kết quả tốt hay thành tích cao mới thưởng và khích lệ”.
“Đồng thời, bố mẹ hãy trao cho con sự khoan hoà để con có thể làm bạn với chính mình và con không bao giờ “bỏ rơi” bố mẹ”, TS Hà Thành cho biết thêm.
Bên cạnh việc quan tâm đến “sức khoẻ tinh thần”, thì “sức khoẻ thể chất” cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với con trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này.
Với góc nhìn của 1 vận động viên chuyên nghiệp trong nhiều năm, đồng thời là nhà giáo dục có hơn 4 năm kinh nghiệm trong các hoạt động chăm sóc học sinh, thầy Trần Vũ Quang - Giám đốc Dự án FSchools Bắc Ninh, nhận định: “Các hoạt động thể thao đã đem đến cho các học sinh rất nhiều giá trị. Các con được rèn luyện cách làm việc nhóm, trách nhiệm của mình với tập thể, là người động viên được bản thân mình và đồng đội những lúc gặp khó khăn, luôn luôn có tư duy tích cực, hướng về phía trước”.
Ngoài ra, thầy Quang cũng nhấn mạnh: "Một nỗi lo vừa đủ sẽ tạo động lực cho chính bản thân phụ huynh và các con của chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào những thế mạnh, đặc điểm của con mình để đưa ra kỳ vọng vừa sức với các con. Hãy cùng các con ngày hôm nay trở thành phiên bản tốt hơn của mình ngày hôm qua."
Vai trò của nhà trường
Ngoài sự cố gắng của bản thân học sinh, sự tương trợ của phụ huynh thì môi trường giáo dục, các thầy cô giáo cũng đóng vai trò qua trọng, tạo động lực giúp con vượt qua những áp lực khi bước vào cấp học mới với vô vàn điều mới lạ.
Tại FPT Schools, vấn đề sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của học sinh luôn được đặt lên hàng đầu, đồng thời, toàn thể CBGV nhà trường luôn nỗ lực kiến tạo một môi trường giáo dục tiên tiến và trên hết là đào tạo ra những nhân tài tốt cả về tri thức, thể chất lẫn tinh thần.
Cô Hà Thị Thu Trang, Hiệu trường FPT Schools Cầu Giấy chia sẻ tại hội thảo: “FPT luôn tôn trọng thế mạnh, sự khác biệt của mỗi con học sinh. Trân trọng sự tiến bộ mỗi ngày của các con”.
“Để đồng hành, hỗ trợ các con học sinh, nhà trường còn có phòng tham vấn tâm lý, thường xuyên tổ chức các workshop tâm lý học đường, các hoạt động bổ trợ… để các con học sinh có thể đối diện và vượt qua được áp lực, khủng hoảng”, cô Trang cho biết thêm.
Ngoài ra, để xây dựng môi trường giáo dục tích cực, các giáo viên tại FPT thay đổi vị thế từ một người quản lý sang một người lãnh đạo: Lắng nghe, tạo ảnh hưởng, dẫn dắt, động viên, tạo cảm hứng cho học sinh.
“Chúng tôi thay đổi câu hỏi đóng thành câu hỏi mở, khích lệ học sinh: Thầy cô cảm ơn con vì con đã hợp tác cùng thầy cô, cảm ơn con vì con đã cố gắng hết sức... Từ đó, học sinh thấy mình được tôn trọng và có ích hơn”, Thầy Trần Vũ Quang chia sẻ.
Để tinh thần học tập luôn tràn đầy năng lượng, học sinh FPT sẽ được rèn luyện sức khỏe qua các bài tập thể dục được thiết kế riêng theo yêu cầu nâng cao thể chất, bao gồm các môn học: Vovinam (Việt võ đạo), bóng rổ. Đặc biệt học sinh sẽ cảm thấy tự tin và phong thái đĩnh đạc hơn thông qua môn học võ Vovinam, nâng cao tinh thần thượng võ, tôn sư trọng đạo.
Kỷ luật không đồng nghĩa với trừng phạt, không chỉ trong giai đoạn con chuyển cấp, mà bất kỳ thời điểm nào, thầy cô giáo, bố mẹ ở nhà trao đổi với con trên cơ sở tôn trọng, thấu hiểu, yêu thương thì chúng ta mới có thể đồng hành tốt nhất với con.