"Công nghệ mang lại rất nhiều cơ hội nhưng không thể thay thế được người Thầy"

Ngày đăng: 16/03/2023

Đó là nhận định của các diễn giả trong Hội thảo giáo dục với chủ đề “Chạm công nghệ - đón tương lai” do FPT Schools tổ chức tối qua (ngày 15/03).

Xuất hiện trong thời gian ngắn, song ChatGPT đã tạo nên cơn sốt toàn cầu và trở thành mối quan tâm đặc biệt trên mọi lĩnh vực, trong đó có Giáo dục.

Trong Hội thảo Online "Chạm Công nghệ - đón tương lại" do FPT Schools tổ chức, Ths Phạm Thị Khánh Ly (Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc điều hành FPT Schools Cầu Giấy và Bắc Giang); Ths Lê Trương Kim Phượng (Phó Hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ) và Ths Đinh Đức Hiền (Chuyên gia Giáo dục tại hệ thống HOCMAI) đã có những chia sẻ thiết thực, đa chiều về cơ hội, thách thức của ChatGPT nói chung và công nghệ nói riêng, đồng thời giải đáp những thắc mắc của Quý Phụ huynh và học sinh.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo "Chạm công nghệ - đón tương lai"
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo "Chạm công nghệ - đón tương lai"

Công nghệ không thể thay thế được Thầy/cô giáo

Nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của người thầy không thể thay thế nhưng phải thay đổi, ThS Đinh Đức Hiền, Chuyên gia Giáo dục tại hệ thống HOCMAI nói: “Công nghệ ngày càng tiến bộ, nhưng không thể thay thế vai trò của người Thầy. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được những ưu thế, biến công nghệ trở thành trợ thủ cho mình thì người Thầy cần thay đổi, thường xuyên làm mới mình”.

Theo ThS Hiền, trước kia, người Thầy là một “Nghệ sĩ” trên sân khấu và học sinh sẽ dõi theo. Nhưng ngày nay, thầy/cô cần là một “Tổng đạo diễn”, để điều hành, hướng dẫn các “diễn viên” (học sinh) của mình toả sáng.

ThS Đinh Đức Hiền nhận định "Người thầy cần thay đổi để không chỉ thích ứng mà còn đón đầu và phát huy những lợi thế của công nghệ".
ThS Đinh Đức Hiền nhận định "Người thầy cần thay đổi để không chỉ thích ứng mà còn đón đầu và phát huy những lợi thế của công nghệ".

Có cùng quan điểm trên, Cô Phạm Thị Khánh Ly, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc điều hành FPT Schools Cầu Giấy và Bắc Giang chia sẻ thêm: Sẽ có những việc chỉ con người mới có thể làm được và không thể thay thế được bằng máy móc, công nghệ.

“Máy móc có thể dạy người học theo một giáo án, thuật toán mà chúng ta cài đặt sẵn, nhưng để truyền đạt theo cảm xúc của học sinh, tình cảm của người Thầy thì không thể làm được. Đặc biệt, những môn nghệ thuật, thể chất thì có lẽ công nghệ và trí tuệ nhân tạo chưa thể thay thế được người Thầy”, cô Ly nhận định.

Các diễn giả cũng chia sẻ thêm, bên cạnh việc dạy và học cần thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, thì hoạt động đánh giá, thi cử cũng cần có những phương pháp mới để hạn chế tình trạng gian lận, đạo văn.

Cô Phạm Thị Khánh Ly, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc điều hành FPT Schools Cầu Giấy và Bắc Giang chia sẻ
Cô Phạm Thị Khánh Ly, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc điều hành FPT Schools Cầu Giấy và Bắc Giang chia sẻ tại hội thảo

"Nếu trước đây chúng ta chỉ quan tâm luyện thi, ôn thi thế nào để đạt điểm cao, nhưng các kỳ thi bây giờ không chỉ thuần kiến thức, mà yêu cầu học sinh phải liên hệ thực tế, phân tích số liệu, có kỹ năng phản biện, xử lý tình huống. Thay vì chỉ làm bài kiểm tra, bài thi cá nhân trên giấy, học sinh giờ đây còn được đánh giá thông qua phương thức phỏng vấn 1-1, làm dự án theo nhóm để lấy điểm giữa môn, cuối môn...", các diễn giả bày tỏ quan điểm tại hội thảo.

Cần có sự đồng hành của ba mẹ và nhà trường

Theo ThS Đinh Đức Hiền, khi công nghệ càng phát triển, chúng ta dễ dàng tiếp cận được nguồn tri thức rộng lớn thì giáo dục con người, giáo dục đạo đức càng đóng vai trò quan trọng. Điều này đòi hỏi nhà trường cần trang bị cho học sinh kỹ năng kiểm soát thông tin, năng lực số, kỹ năng giải quyết các vấn đề và đặc biệt là "đạo đức số".

Trước thách thức trên, cô Phạm Thị Khánh Ly chia sẻ: "Tại FPT Schools Cầu Giấy, chúng tôi trao cho các con học sinh một công cụ vạn năng đó là kỹ năng “Học cách học”. Từ đó, các con có thể làm chủ tri thức, biết cách phân biệt, tổng hợp thông tin và tìm kiếm có chọn lọc".

Ngoài ra, nhà trường cũng đã tổ chức chuyên đề, tiết học để các con học sinh ứng dụng ChatGPT vào việc học, xây dựng ý tưởng thiết kế website sinh động, hấp dẫn, tăng trải nghiệm với người dùng.

Các chuyên gia cũng chia sẻ thêm, bên cạnh nhà trường, thầy cô, bố mẹ cũng cần đồng hành cùng con, làm bạn cùng con và luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thích ứng với những thay đổi của thời cuộc.

"Thay vì chỉ đứng nhìn các con và tụt lại phía sau thì bố mẹ nên chủ động tìm hiểu xem con mình đang cần gì? quan tâm điều gì? Khi bản thân chủ động tìm hiểu thì biết đâu ba mẹ sẽ tìm ra điểm kết nối với các con", Cô Lê Trương Kim Phượng – Phó Hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ, đưa ra lời khuyên.

Đứng trước sự phát không ngừng của công nghệ và việc tiếp kho tàng tri thức càng dễ dàng, các con học sinh càng cần phải tỉnh táo - Cô Lê Trương Kim Phượng – Phó Hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ nhắn nhủ
"Đứng trước sự phát không ngừng của công nghệ và việc tiếp cận kho tàng tri thức càng dễ dàng, thì các con học sinh càng cần phải tỉnh táo" - Cô Lê Trương Kim Phượng – Phó Hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ nhắn nhủ

“Chúng ta không thể ngăn cản được dòng chảy của công nghệ, chỉ có cách thích nghi, xây dựng cho con năng lực số và trách nhiệm số”, đó cũng là chia sẻ mà các diễn giả muốn nhắn gửi tới thầy cô và ba mẹ tại hội thảo.

Tin cùng chuyên mục

Đăng ký tư vấn

  • Vui lòng nhập lại các ký tự sau:

Tin mới nhất

Chuyên mục

Sự kiện sắp diễn ra

Cover event hoi thao 3.3
09:00
Trường TH&THCS FPT