Cùng con trưởng thành với 7 bài học đáng giá
Ngày đăng: 15/11/2021
Làm sao để bố mẹ trở thành người bạn đáng tin của con trên hành trình trưởng thành, đặc biệt, khi con chuẩn bị chuyển cấp trong giai đoạn Covid-19 với nhiều biến đổi tâm sinh lý và áp lực học tập?
Thấu hiểu những lo lắng của Quý Phụ huynh, trường Tiểu học và THCS FPT đã tổ chức hội thảo trực tuyến "7 thói quen tạo gia đình hành phúc" dành cho các bố mẹ khối Tiểu học và hội thảo "7 bài học đồng hành cùng con trưởng thành" dành cho các bố mẹ khối THCS.
Hội thảo có sự tham gia của diễn giả Phan Anh - Thạc sĩ Giáo dục Đại học La Trobe (Australia), chuyên viên đào tạo của FCE Việt Nam; cùng đại diện BGH FPT Schools. Dưới đây là nội dung tóm tắt của hội thảo:
1. Giúp con phát triển toàn diện
“Phát triển toàn diện” không đồng nghĩa với “giỏi giang mọi mặt”. Các bố mẹ không nên vì thấy đứa trẻ hàng xóm thi IELTS mà cũng cho con ôn luyện tiếng Anh từ sớm.
Một bông hoa đẹp là vì bông hoa ấy nở đều, các cánh được bố trí hài hòa, cân xứng. Con người cũng vậy. Một con người phát triển toàn diện sẽ là người được đáp ứng cân bằng ở cả bốn nhu cầu cơ bản: Thể chất, tình cảm, trí tuệ và tinh thần. Nếu bố mẹ chỉ chú trọng vào một nhu cầu, các nhu cầu khác của con có thể bị xem nhẹ.
Trong mỗi nhu cầu nói trên lại bao hàm nhiều khía cạnh, mỗi khía cạnh đều cần được chăm chút. Chẳng hạn, phát triển trí tuệ không đơn thuần là việc trẻ ẵm được bao nhiêu giải thưởng, mà còn là việc có được tiến bộ gì sau những lần thử thách. Trẻ có đang được khám phá, sáng tạo hay chỉ đang làm những điều rập khuôn, máy móc?
Hoặc khi nói về nhu cầu thể chất, bố mẹ không nên chỉ dừng lại ở việc cho con ăn no uống đủ. Ở các trường trung học nước ngoài, học sinh đôi khi được giao bài tập về nhà là phải ngủ đủ giấc vì điều này cần thiết đối với phát triển thể chất của các con, nhất là ở lứa tuổi đang phát triển. Một số khía cạnh khác cũng cần được chú trọng như điều kiện sống hoặc tần suất vận động,…
Cũng như người trồng hoa muốn hoa nở đều, bố mẹ hãy có hành động để con được phát triển hài hòa bốn nhu cầu cơ bản nói trên.
2. Giúp con phát triển từ gốc
Mượn chuyện cây nói chuyện người, chuyên gia Phan Anh chỉ ra rằng nhiều bố mẹ cố gắng tạo cho con một phong cách/tính cách khiến người xung quanh phải ngưỡng mộ. Nhưng đó chỉ có thể được ví như phần thân cây lộ ra khỏi mặt đất.
Thứ quyết định một con người thực tế nằm ở phẩm cách/bản tính, hay còn có thể được coi như phần rễ cây. Một thân cây đẹp chưa chắc đã có thể đứng vững trước bão. Điều quyết định sự vững vàng của cây nằm ở chính ở bộ rễ dài và chắc.
Bố mẹ có thể giúp con tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, nhưng nếu hình ảnh đó không trùng khớp với bản tính của con - đồng nghĩa với việc chúng ta chưa thực sự đang làm những điều tốt đẹp nhất cho trẻ.
Để trưởng thành, trẻ cần rèn luyện 7 thói quen. Đầu tiên là sống chủ động: Trẻ tự lựa chọn hành động và tự chịu trách nhiệm cho những lựa chọn ấy. Thứ hai là bắt đầu với mục tiêu: Trẻ cần xác định trước mục tiêu trong cuộc sống và lên kế hoạch để đạt được điều đó. Thứ ba là ưu tiên việc quan trọng: Trẻ cần biết sắp xếp thứ tự công việc, biết làm trước chơi sau.
Nếu ba thói quen đầu giúp trẻ từ người phụ thuộc trở thành người độc lập, ba thói quen tiếp theo sẽ giúp trẻ trở thành người tương thuộc. Tương thuộc nghĩa là việc trẻ biết hợp tác cùng người khác dựa trên niềm tin tưởng lẫn nhau để làm được điều tốt hơn nhiều so với làm một mình.
Thói quen thứ tư là tư duy cùng thắng, tức là luôn cố tìm kiếm lợi ích chung giữa mình và người khác. Thứ năm là hiểu rồi được hiểu, tức trẻ cần lắng nghe và thấu hiểu người khác trước khi trình bày quan điểm cá nhân. Thứ sáu là hợp lực, tức hợp tác với người khác một cách sáng tạo để đạt kết quả tốt hơn.
Bao trùm tất cả 6 điều trên trên là thói quen thứ bảy - thói quen rèn giũa bản thân. Việc tự rèn giũa chính mình sẽ giúp trẻ có sức mạnh thực hiện nhất quán các thói quen khác trong cuộc sống.
3. Ứng xử chủ động với bản thân và với người khác
Học kỳ II lớp 7 và năm lớp 8 là lứa tuổi thường xảy ra bùng nổ ở tính cách trẻ em. Thời điểm này, cách các con ứng xử với bản thân và với người khác có rất nhiều vấn đề như dễ bực tức và nổi nóng.
Một mặt, đây là sự phát triển tâm sinh lý bình thường, nhưng mặt khác, bố mẹ cũng cần hướng dẫn cho con biết cách kiềm chế hành vi. Nói cách khác, bố mẹ cần dạy con biết cách ứng xử chủ động với chính mình và người xung quanh.
Phương pháp hiệu quả nhất để dạy con cách ứng xử chủ động là thông qua hành động của bố mẹ. Bố mẹ cần thay đổi bản thân trước tiên để các con nhìn vào đó và tự thay đổi chính mình. Các phụ huynh đừng như chai Coca chỉ chực bùng nổ mỗi khi bị xóc mạnh, hãy như chai nước suối luôn bình lặng trong mọi tình huống.
Để có thể cư xử bình tĩnh trước hành động ngoài ý muốn của con, bố mẹ cần thường xuyên thực hành thói quen tách mình ra khỏi tình huống ấy. Đó đơn giản có thể là việc nhẩm đếm trong đầu, sờ trán, vào nhà tắm, hoặc rửa mặt mỗi khi cơn giận nổi lên – tức là bất cứ hành động gì giúp chúng ta vượt qua sự nóng nảy tức thời.
Một số bố mẹ có thể nghĩ rằng “phải quát lên con mới nghe lời”, nhưng điều này chỉ có tác dụng nhất thời. Khi đang cáu giận mà bị bố mẹ giáo huấn, các con sẽ cảm thấy đang bị đánh giá và phủ nhận. Sự tiếp thu của con sẽ hiệu quả hơn khi hai bên đều bình tĩnh.
Hành vi của bố mẹ có thể củng cố hành vi của các con. Vì thế, bố mẹ hãy cố gắng hướng tới giúp con củng cố những hành vi ứng xử ở cấp cao, như được phân chia theo cuốn sách “Dạy trẻ bằng cả trái tim” của tác giả Rafe Esquith.
Theo cuốn sách này, hành vi ứng xử của trẻ có thể được chia làm 6 cấp. Ba cấp đầu tiên là hành vi ứng xử cấp thấp với động cơ xuất phát từ bên ngoài, bao gồm cấp 1: Trẻ làm một điều gì đó vì không muốn bị phạt, cấp 2: Làm vì muốn được thưởng, cấp 3: Làm vì muốn lấy lòng người khác.
Ba cấp ứng xử cao hơn lần lượt là con tuân thủ các nguyên tắc ở nhà và ở trường, con biết cư xử chu đáo và tế nhị với người khác (ví dụ thấy mẹ đi làm về mệt tự biết rót nước cho mẹ uống), con tự đặt ra quy tắc riêng nghiêm khắc hơn cho chính mình (như thấy người gặp khó khăn thì giúp đỡ không cần báo đáp).
Như vậy, bố mẹ cần cho các con nhận ra mình có thể vươn cao đến đâu, đồng thời tạo điều kiện cho các con làm điều ấy.
4. Cùng con thiết lập mục tiêu
Việc lập mục tiêu có thể là khi vào ngày mùng một Tết, cả gia đình ngồi lại với nhau để tổng kết các mục tiêu năm cũ và đặt ra 12 mục tiêu năm mới. Đây có thể là mục tiêu của cả gia đình hoặc của cá nhân mỗi thành viên. Sau khi lập xong, chúng ta có thể dán mục tiêu trước cửa nhà tắm để được nhắc nhở thường xuyên.
Khi đặt mục tiêu cho con, bố mẹ cần chú ý tới mức độ phù hợp với các con. Để làm được điều đó, bố mẹ nên cho trẻ cùng tham gia vào quá trình này. Mục tiêu không nhất thiết bị giới hạn trong phạm vi việc học, mà còn có thể là về thể chất hoặc tinh thần.
Quá trình đặt mục tiêu gồm 4 bước. Đầu tiên là xác định mục tiêu cụ thể theo mẫu “từ điểm X đến điểm Y trước thời điểm nào”. Sau khi có đích đến, bố mẹ cần đặt ra các hành động để đạt được mục đích đó và những hành động này cần phải định lượng được (như đi 10.000 bước/ngày, đọc sách tiếng Anh 20 phút/ngày).
Tiếp theo, chúng ta cần theo dõi tiến độ, thông qua hình thức bảng biểu, ghi chép lịch trình mỗi ngày… Và cuối cùng là việc phân trách nhiệm nhắc nhở/theo sát con cho bố hoặc mẹ (ví dụ bố sẽ cùng con đi bộ hoặc mẹ sẽ nghe con đọc truyện tiếng Anh mỗi ngày).
Bố mẹ hoặc thầy cô cũng cần lưu ý nên đặt ra các mục tiêu ngắn hạn (ngắn hơn một tháng) cho trẻ trước khi đặt mục tiêu dài hạn, tránh làm trẻ dễ nản chí. Một số mục tiêu ngắn hạn có thể là dắt chó đi dạo 20 phút/ngày, đặt ít nhất một câu hỏi cho thầy cô trên lớp mỗi ngày, viết nhật ký 2 lần/tuần,…
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần mở rộng các mối quan tâm của con để con tìm kiếm đam mê cho riêng mình. Trong trường hợp bố mẹ cho rằng “con mình không thích gì”, nguyên nhân có thể là bố mẹ chưa biết cách để con chia sẻ hoặc chưa cho con mở rộng các mối quan tâm. Vì thế, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho con trải nghiệm, có thể chỉ là cho trẻ vào bếp làm đồ ăn hoặc thử một điều gì mới mẻ.
Trong trường hợp con nản chí, bố mẹ có thể nhắc lại con về mục tiêu đã thiết lập, hoặc ghi nhận những kết quả con đã đạt được (ví dụ như bằng cách thưởng cho con một món quà nhỏ).
5. Cùng con ưu tiên những việc quan trọng
Bố mẹ cần xác định được đâu là việc quan trọng đối với con và nhắc nhở con làm việc đó. Sau khi con hoàn thành điều quan trọng, bố mẹ sẽ để cho con những khoảng thời gian để tự do làm điều mình thích.
Điều này sẽ đem lại hiệu quả hơn so với việc bố mẹ luôn luôn theo sát để yêu cầu con làm mọi thứ hoặc việc thả lỏng để cho con lơ là với điều không quan trọng.
Bố mẹ cũng cần ưu tiên 3 việc quan trọng trong mối quan hệ với trẻ để tăng mức độ gắn kết của gia đình. Đầu tiên là thời gian 1 – 1, tức thời gian rảnh rỗi trong ngày để hai thành viên trong gia đình (có thể là vợ chồng hoặc bố con) cùng làm một hoạt động nào đó, có thể chỉ là cùng đi xem phim hoặc đi café.
Việc cần ưu tiên thứ hai là bữa ăn gia đình. Gia đình nên tạo cho nhau thói quen cả nhà cùng nhau ăn một bữa cơm hàng ngày. Đây cũng là thời gian để gắn kết giữa các thành viên.
Cuối cùng, bố mẹ cũng cần dành ra thời gian để sinh hoạt cả gia đình hàng tuần để tạo nên một truyền thống trong nhà. Đây có thể là bất cứ hoạt động gì, có thể là hoạt động leo núi, về quê cuối tuần, vẽ tranh cùng nhau... Các bố mẹ nên cố gắng mỗi tuần dành ra một tiếng cho cả gia đình ngồi bên nhau.
6. Lắng nghe thấu hiểu
Có 4 điều cản trở việc lắng nghe thấu hiểu trong gia đình. Đầu tiên là việc nghe với cái tôi lớn để trở thành người dẫn dắt câu chuyện. Có thể lấy ví dụ như sau: Khi nghe trẻ kể nay bắt gặp hai bạn hôn nhau, người lớn hỏi dò “con đã hôn ai chưa”. Câu hỏi thăm dò như vậy sẽ khiến con e dè ở những lần sau vì càng chia sẻ, con có thể sẽ càng bị chất vấn.
Cản trở thứ hai là óc phán xét. Khi một đứa trẻ kể về con điểm thấp vừa nhận hôm nay, bố mẹ có óc phán xét sẽ không lắng nghe câu chuyện đằng sau điểm số ấy mà chỉ buông lời trách mắng.
Cản trở thứ ba là xu hướng khuyên nhủ. Trách nhiệm của bố mẹ là khuyên nhủ con, nhưng khi lắng nghe, chúng ta cần thật sự hiểu được con muốn nói gì trước khi lên tiếng, không nên để cái tôi của mình lấn sâu vào câu chuyện.
Cuối cùng, cản trở thứ tư là việc diễn giải, tức việc bố mẹ cố gắng diễn giải lời kể của con theo cách hiểu của mình, lệch đi so với cách hiểu của con.
Cả khi đang lắng nghe và trong các hoạt động khác, bố mẹ nên hạn chế sự so sánh, kể cả so sánh giữa con mình và con nhà hàng xóm hay so sánh giữa các con với nhau.
7. Làm gương
Làm gương ở đây không phải bố mẹ có những hành động để con bắt chước mà nhấn mạnh việc bố mẹ tìm cách để bản thân trở thành người con tin tưởng. Khi tin tưởng bố mẹ, trẻ sẽ rất cởi mở và chia sẻ.
Có thể coi sự tin tưởng như một thứ tiền tệ mà bố mẹ gửi giữ trong ngân hàng tâm lý của con. Khi có hành động như thất tín, nói xấu sau lưng, ôm thù… đối với con hay với người khác, bố mẹ đang rút dần đồng tiền niềm tin ra khỏi ngân hàng của con.
Ngược lại, những hành động tử tế, trung thực, giữ lời hứa và bao dung, xin lỗi con thật lòng… sẽ giúp số tiền niềm tin mà người lớn gửi giữ nơi trẻ thơ sẽ ngày càng tăng lên.
Chẳng hạn, trong lúc nóng giận, người mẹ lên tiếng mắng con. Khi giây phút ấy trôi qua, người mẹ nhận ra mình quá lời và xin lỗi con. Hành động này không những không hạ thấp người mẹ mà còn thể hiện rằng mẹ sẵn sàng xin lỗi con. Sự tin tưởng của con vì thế sẽ tăng lên rất nhiều.
Khi con làm bài kiểm tra online, bố mẹ có thể lén đứng bên cạnh nhắc bài. Trẻ có thể làm theo và được điểm cao, nhưng chắc chắn em sẽ không còn thấy bố mẹ trung thực.
Con cái là dự án quan trọng nhất của bố mẹ. Một số cha mẹ có thể cho rằng chỉ cần cung cấp điều kiện vật chất đủ đầy cho con cái là đã hoàn tất phần lớn nghĩa vụ đấng sinh thành. Những việc còn lại như học tập vì thế sẽ là trách nhiệm của nhà trường và của chính bản thân đứa trẻ. Nhưng theo chuyên gia, tuy trách nhiệm của nhà trường và của trẻ rất quan trọng, vai trò đồng hành của cha mẹ vẫn đóng vai trò then chốt trong quá trình trưởng thành của con.
FPT Schools mong rằng hội thảo đã đem lại những chia sẻ bổ ích, góp phần vun đắp tình yêu, sự thấu hiểu trong mỗi gia đình, từ đó bố mẹ dần trở thành người bạn đồng hành đáng tin của con.
Trân trọng,
Trường Tiểu học và THCS FPT