FPT Schools Cầu Giấy tập huấn phương pháp dạy học tích cực và công tác chủ nhiệm cho CBGV

Ngày đăng: 22/07/2022

Để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới 2022 – 2023, hôm nay 22/7, FPT Schools Cầu Giấy tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ giáo viên về phương pháp dạy học tích cực và công tác chủ nhiệm.

Phương pháp dạy học tích cực đang được áp dụng rộng rãi, bởi nó mang đến nhiều hiệu quả tích cực trong việc giảng dạy và học tập, thúc đẩy tính sáng tạo, chủ động, tích cực của học sinh. Hai phương pháp dạy học tích cực được FPT Schools Cầu Giấy lựa chọn tập huấn hôm nay, đó là: Mô hình lớp học đảo ngược do cô Vũ Hồng Ly – giáo viên môn Hoá học trình bày và Mô hình lớp học không biên giới do cô Trịnh Thuỳ Linh – giáo viên môn Địa lý trình bày.

Toàn cảnh buổi tập huấn về phương dạy học tích cực
Toàn cảnh buổi tập huấn về phương dạy học tích cực

Tới dự và chỉ đạo buổi tập huấn, cô Hà Thị Thu Trang, Hiệu trưởng FPT Schools Cầu Giấy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học và cho biết thêm: “Trong năm học mới 2022 – 2023, hoạt động tập huấn phương pháp giảng dạy sẽ được triển khai thường xuyên. Đây là cơ hội để các thầy cô chia sẻ những cách làm hay, mới mẻ, sáng tạo tới đồng nghiệp, từ đó cùng tìm ra những phương pháp hiệu quả nhất để xây dựng bài giảng sinh động, hấp dẫn”.

Mô hình lớp học đảo ngược

Mô hình lớp học truyền thống đã trở nên quá quen thuộc, giáo viên là người hướng dẫn, truyền đạt kiến thức một chiều để học sinh đạt được 3 mức độ đầu: Ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng.

Còn ở lớp học Mô hình mới đã đảo ngược lớp học truyền thống, cụ thể 3 mức độ đầu học sinh sẽ tự tìm hiểu ở nhà thông qua những video hướng dẫn, bài giảng ngắn của giáo viên, bài giảng trong kho tư liệu của trường hoặc trên mạng Internet. Còn thời gian ở lớp, giáo viên và học sinh sẽ cùng làm việc nhằm đạt được ba bậc cao hơn: Phân tích, tổng hợp và đánh giá.

Chia sẻ sau khi áp dụng thành công mô hình này, cô Vũ Hồng Ly cho biết: “Tôi thấy lớp học đảo ngược mang đến nhiều ưu điểm: Học sinh ghi nhớ kiến thức cơ bản tốt hơn; Học sinh có thời gian mở rộng, nâng cao kiến thức; Phát huy được năng lực tự chủ - tự học của học sinh; Môi trường học tập linh hoạt và nội dung bài học có tính thực tiễn cao”.

Cô Vũ Hồng Ly chia sẻ về mô hình lớp học đảo ngược
Cô Vũ Hồng Ly chia sẻ về mô hình lớp học đảo ngược

Tuy nhiên, tại buổi tập huấn, các thầy cô giáo cũng thảo luận rất sôi nổi và chỉ ra những khó khăn có thể gặp phải khi áp dụng mô hình này, đó là: Phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ động và sự hợp tác của học sinh; Kho tài liệu phù hợp sẵn có hạn hẹp và tốn thời gian chuẩn bị tài liệu; Học sinh tăng thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử do phải tự nghiên cứu trước tài liệu tại nhà…

Để giúp các thầy cô ứng dụng mô hình này vào giảng dạy, cô Vũ Hồng Ly cũng đưa ra gợi ý về quy trình xây dựng một tiết học đảo ngược bao gồm 6 bước dưới đây:

Quy trình xây dựng một tiết học đảo ngược
Quy trình xây dựng một tiết học đảo ngược

Mô hình lớp học không biên giới

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin như hiện nay, việc giảng dạy và học tập dường như không còn bị giới hạn về khoảng cách địa lí, mở ra cơ hội để các FPTers nói riêng và học sinh nói chung chuẩn bị hành trang kiến thức – kỹ năng trở thành các công dân toàn cầu.

Với lợi thế của ngôi trường công nghệ hàng đầu thành phố, trong năm học 2021 – 2022, cô Trịnh Thuỳ Linh đã thực hiện thành công một số tiết học theo mô hình lớp học không biên giới. Tiêu biểu là tiết học địa lý khối 7, cô Linh kết nối FPTers với học sinh trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam để trao đổi về vấn đề địa lý Châu Nam Cực với hình thức một cuộc họp thượng đỉnh.

Cô Trịnh Thuỳ Linh chia sẻ về mô hình lớp học không biên giới
Cô Trịnh Thuỳ Linh chia sẻ về mô hình lớp học không biên giới
Các thầy cô giáo bàn luận sôi nổi và đưa ra rất nhiều ý kiến hay về 2 mô hình dạy học tích cực
Các thầy cô giáo bàn luận sôi nổi và đưa ra rất nhiều ý kiến hay về 2 mô hình dạy học tích cực

Hầu hết các thầy cô giáo đều khẳng định, mô hình lớp học không biên giới được áp dụng sẽ xoá nhoà khoảng cách địa lý, giúp các con cơ hội được giao lưu với các bạn học sinh ở các ngôi trường khác, mang đến những trải nghiệm và kiến thức mới mẻ.

Là người đi đầu áp dụng phương pháp học tập này, cô Linh cũng nêu ra một số khó khăn của lớp học không biên giới, như: Tìm kiếm ý tưởng, phát triển nội dung bài học mới lạ và độc đáo để thu hút sự quan tâm của học sinh, kết nối với cá nhân, lớp học đối tác.

“Để khắc phục những khó khăn trên, tôi thường xuyên trao đổi để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy với các giáo viên đồng nghiệp trong trường, trong cả nước, giáo viên quốc tế, tham gia nhóm giáo viên sáng tạo…”, cô Linh cho biết thêm.

Tập huấn công tác giáo viên chủ nhiệm

Nối tiếp hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho CBGV trong trường, đặc biệt là CBGV mới, cô Hà Thị Thu Trang – Hiệu trưởng FPT Schools Cầu giấy đã chủ trì buổi tập huấn công tác chủ nhiệm với hình thức thảo luận nhóm, đóng kịch dựa trên tình huống cụ thể.

Giáo viên diễn lại rất nhiều tình huống, câu chuyện gặp phải trong quá trình làm chủ nhiệm và cách xử lý với từng tình huống
Giáo viên diễn lại rất nhiều tình huống, câu chuyện gặp phải trong quá trình làm chủ nhiệm và cách xử lý với từng tình huống

Tổng kết lại buổi tập huấn về công tác chủ nhiệm, các thầy cô đã đúc rút ra những kinh nghiệm và bài học:

  • Thầy cô phải công bằng, gương mẫu;
  • Nếu học sinh vi phạm, cần bám theo quy định xử lý, kỷ luật của nhà trường, tuy nhiên không cứng nhắc, máy móc mà phải có cách xử lý linh hoạt đối với từng tình huống cụ thể;
  • Thường xuyên trao đổi với các giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm để học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng;
  • Nên xử lý vấn đề ngay tức lập tức, không nên để qua ngày khác;
  • Cần thường xuyên trao đổi tình hình học tập, rèn luyện của học sinh tới Quý phụ huynh;
  • Am hiểu tâm lý của học sinh để có cách xử lý phù hợp, linh hoạt.

Tin cùng chuyên mục

Đăng ký tư vấn

  • Vui lòng nhập lại các ký tự sau:

Tin mới nhất

Chuyên mục

Sự kiện sắp diễn ra

olympic 1
08:00
Trường TH&THCS FPT