HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM TAM KHÔI: GAY CẤN TỪNG PHÚT CHUNG CUỘC THI ĐÌNH
Ngày đăng: 11/07/2020
Sau kỳ thi Hội, 10 sĩ tử xuất sắc nhất khối THCS bước vào kỳ thi Đình. 5 màn tranh biện gay cấn về chủ đề tình yêu học trò, hình thức học tập hiệu quả dưới tác động của dịch Covid-19, hình thức đánh giá năng lực qua các kỳ thi, đồ ăn nhanh và tái chế rác thải nhựa đã ghi nhận sự ngang tài ngang sức của tất cả các thí sinh.
Kỳ thi Đình bao gồm 2 vòng thi: Vòng thi thứ nhất lần lượt 5 cặp đấu (theo số thứ tự đã bốc thăm) tranh biện về các chủ đề của chương trình. Sau vòng 1, 5 thí sinh xuất sắc nhất sẽ bước vào vòng 2, mỗi thí sinh trả lời bộ 10 câu hỏi của chương trình để tìm ra Tam khôi. Trường hợp thí sinh bằng điểm nhau, phần thi phụ sẽ được diễn ra để xác định thứ hạng. Để kỳ thi diễn ra thành công, không thể thiếu những người cầm cân nảy mực đồng hành cùng sĩ tử, đó là: cô Hà Thị Thu Trang (Phó Hiệu trưởng FPT Schools); thầy Trần Vũ Quang (Phó Hiệu trưởng FPT Schools) và cô Phạm Tuyết Hạnh Hà (Đại diện hội PHHS).
Mở đầu vòng tranh biện là phần thi đấu của Nguyễn Tuấn Anh (Lớp 6A1) và Nguyễn Ngọc Anh (Lớp 6A6) với chủ đề: Nên lựa chọn hình thức học online hay offline trong thời đại 4.0. Ở phần thi này, Ngọc Anh đưa ra quan điểm nên lựa chọn hình thức học offline bởi hình thức này đề cao sự tương tác giữa học sinh và giáo viên trong việc học trực tiếp. Còn với Tuấn Anh, trải qua gần 3 tháng học tập online do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì học online chính là giải pháp hữu hiệu nhất để tiết kiệm thời gian di chuyển và tiết kiệm chi phí.
Ở cặp đấu thứ 2 khi luận bàn về vấn đề có nên hay không đánh giá năng lực thông qua các kỳ thi, Cao Vũ Anh Khôi (Lớp 7A2) bắt đầu cuộc tranh biện bằng quan điểm tán thành với việc nên đánh giá năng lực bằng thi cử. Khôi cho rằng thi cử là một thước đo mà qua đó, chúng ta biết được chúng ta đang thiếu kiến thức gì, hổng chỗ nào và cải thiện. Ngược lại, đối với Phạm Khánh Duy (Lớp 7A1) việc đánh giá năng lực thông qua các kỳ thi sẽ khiến con người bị giới hạn trong một thang điểm và đôi lúc những cuộc thi không đánh giá hết được năng lực thí sinh bởi các yếu tố tác động khi tham gia.
Nhận được sự quan tâm và yêu thích nhất của khán giả, phần tranh biện về tình yêu tuổi học trò của Nguyễn Đỗ Bảo Nguyên (Lớp 6A5) và Đỗ Hà My (Lớp 7A2) làm khán phòng vang dội tiếng vỗ tay cổ vũ.
Chủ đề được coi là "nhạy cảm" khi các con ở lứa tuổi "ẩm ương" khiến không ít ba mẹ, thầy cô khó xử - với phần tranh biện của 2 sĩ tử thông quan quan điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, đã trở nên gần gũi và dễ chia sẻ hơn bao giờ hết. Bảo Nguyên đưa ra 3 luận điểm bảo vệ tình yêu học trò thật đẹp và là bước đệm, kinh nghiệm để lựa chọn bạn đồng hành tương lai. Trong khi đó, Hà My thuyết phục BGK và khán giả rằng học trò khi yêu dễ dẫn đến những hậu quả khó lường, mất tình bạn đẹp. Chứng kiến học sinh tự tin trình bày quan điểm về chủ đề này, thầy Trần Vũ Quang cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào. Nhưng với những ý kiến phản biện từ chính khán giả thì phòng thi đã thực sự “bùng nổ”. Tiến Anh (7A1) muốn Bảo Nguyên đưa ra ý kiến về vai trò của nhà trường trong việc kiểm soát tình yêu học trò - Quyết bảo vệ quan điểm của mình, Nguyên cho rằng tình yêu là vấn đề riêng của học trò, tuy nhiên, nhà trường có vai trò khuyên giải nếu học sinh không kiểm soát được câu chuyện riêng của mình.
Hấp dẫn không kém khi Bùi Minh Anh Vũ (Lớp 6A1) đưa ra những lập luận đầy thuyết phục để bảo vệ quan điểm không nên sử dụng nguyên liệu tái chế. Vũ đưa ra dẫn chứng về rác thải y tế, nếu hoạt động xử lý rác thải không tốt khi tái chế có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nguyễn Minh Khôi (Lớp 6A3) cũng không chịu lép vế khi cậu bạn thuyết phục tất cả mọi người hãy sử dụng nguyên liệu tái chế bởi những lợi ích bảo vệ môi trường của nó.
Đồ ăn nhanh - món ăn yêu thích của giới trẻ, chính là chủ đề tranh biện cuối cùng trong vòng 1 với cặp đấu Nguyễn Việt Anh (Lớp 6A4) và Nguyễn Hoàng Lâm (7A1).
Phản đối việc sử dụng đồ ăn nhanh, Việt Anh đã chỉ ra những tác hại của những món ăn khoái khẩu của nhiều bạn trẻ: thiếu chất dinh dưỡng, chế biến không đảm bảo, nguồn thực phẩm không rõ ràng,... "Ăn đồ ăn không chỉ là để no, để nạp dưỡng chất cho cơ thể mà còn là niềm hạnh phúc - chính là cho tinh thần được nạp năng lượng" - Hoàng Lâm phản biện ý kiến của Việt Anh.
Bên cạnh đó, Lâm cho rằng đồ ăn nhanh lại đem đến sự tiện lợi như chính cái tên của nó, và việc an toàn vệ sinh thực phẩm thì lỗi thuộc về những người chế biến, không phải lỗi của bản thân đồ ăn. Hai thí sinh liên tục tranh biện sôi nổi, vừa dứt khoát, vừa lắng nghe quan điểm của đối phương.
Kết thúc phần tranh biện, giám khảo Phạm Tuyết Hạnh Hà xúc động: “Cô hiện đang là giảng viên của Trường ĐH FPT, nơi có các anh chị trong độ tuổi từ 18-25 nhưng cô chắc chắn rằng không phải ai cũng có thể trình bày quan điểm xuất sắc như các con vừa thể hiện. Thật đáng tự hào về các con. Chúc mừng các con."
Kết thúc vòng tranh biện, BGK đã trao tặng huy chương và giấy chứng nhận cho 10 sĩ tử. Đây là món quà ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các con.
Theo thể lệ, sau vòng 1, 5 thí sinh xuất sắc nhất sẽ tiếp tục bước vào vòng 2. Tuy nhiên, phần thể hiện của 10 sĩ tử đã khiến BGK gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định. Sau thời gian căng thẳng, BGK đã lựa chọn 6 thí sinh xuất sắc bước tiếp vào vòng 2. Ở vòng thi này, mỗi bạn sẽ thể hiện năng lực thông qua bộ 10 câu hỏi thuộc tất cả các lĩnh vực. Qua lượt bốc thăm, sĩ tử Đỗ Hà My sẽ là thí sinh đầu tiên chinh phụ bộ 10 câu hỏi, thứ tự sau đó lần lượt là: Nguyễn Hoàng Lâm, Nguyễn Đỗ Bảo Nguyên, Nguyễn Việt Anh, Bùi Minh Anh Vũ và Nguyễn Tuấn Anh.
Câu hỏi xuất hiện trong vòng 2 ở nhiều lĩnh vực từ nghệ thuật đến tự nhiên xã hội, khoa học thường thức, hiểu biết chung,... khiến các sĩ tử cũng có lúc phải "vò đầu bứt tai" để đưa ra đáp án. Kết quả của vòng 2 được ghi nhận với điểm số cao thứ 3 thuộc về sĩ tử Nguyễn Đỗ Bảo Nguyên. Hai sĩ tử: Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Hoàng Lâm có điểm số cao nhất và cùng bước vào phần thi câu hỏi phụ để tranh vị trí Trạng Nguyên và Bảng Nhãn.
Các câu hỏi phụ được Ban Giám Khảo trực tiếp đưa ra, hai thí sinh độc lập viết câu trả lời. Phần thi sẽ dừng lại khi 1 trong 2 thí sinh có câu trả lời đúng và thí sinh còn lại đưa ra đáp án sai. Trải qua 7 câu hỏi, Nguyễn Tuấn Anh đã xuất sắc giành chiến thắng để bước lên ngôi vị cao nhất của cuộc thi, trở thành Trạng Nguyên FPT Schools 2020.
Kết quả chung cuộc, Trạng Nguyên FPT Schools 2020 khối THCS gọi tên Nguyễn Tuấn Anh (6A1), danh hiệu Bảng Nhãn thuộc về Nguyễn Hoàng Lâm (7A1) và Nguyễn Đỗ Bảo Nguyên (6A5) đạt danh hiệu Thám Hoa.
Hội thi Trạng Nguyên FPT Schools 2020 đã khép lại, chúc mừng tất cả những thí sinh đã tham gia cuộc thi. Mong rằng qua cuộc thi mỗi học sinh đã thu nạp thêm kiến thức về truyền thống hiếu học và khoa cử của nước ta thời phong kiến, đồng thời trau dồi vốn hiểu biết, rèn luyện sự tự tin và phát triển những kĩ năng mềm cho bản thân.