“Điểm số có thể giúp con vượt qua kỳ thi, nhưng kỹ năng và bản lĩnh mới giúp con băng qua những chặng đường dài trong cuộc sống” – thông điệp đầy ý nghĩa này đã được lan tỏa tại hội thảo “Future Me – Học tập chủ động, sống bản lĩnh”, diễn ra vào cuối tuần qua, tại Trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy.
Đây không chỉ là một hội thảo giáo dục đơn thuần mà còn là dịp để các bậc phụ huynh nhìn nhận lại mục tiêu cuối cùng của việc học, cũng như tìm thấy những phương pháp đồng hành cùng con hiệu quả hơn trong hành trình trưởng thành giữa thế giới đang biến đổi từng ngày.
Ngay từ những phút mở đầu, hội trường đã tràn ngập cảm xúc khi các bạn học sinh FPT Schools mang đến một màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc đầy lôi cuốn. Những âm thanh quen thuộc từ đàn tranh, đàn bầu vang lên trong hội trường lớn chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật của học sinh mà còn tạo nên sự kết nối độc đáo giữa truyền thống văn hóa và tinh thần giáo dục hiện đại – một trong những giá trị cốt lõi mà FPT Schools luôn theo đuổi.

Diễn giả chính của chương trình – cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, CEO Vietskill, MC truyền hình – đã mở ra một không gian đối thoại sâu sắc với các bậc phụ huynh.
Với kinh nghiệm lâu năm trong giáo dục kỹ năng mềm và đồng hành cùng nhiều thế hệ học sinh, cô Mai nhấn mạnh: “Giáo dục không phải là chuẩn bị cho kỳ thi, mà là chuẩn bị cho cuộc đời.” Cô chỉ ra rằng trong một xã hội biến chuyển không ngừng, học sinh cần nhiều hơn những con điểm. Đó là tư duy linh hoạt, kỹ năng giao tiếp, năng lực tự học và khả năng thích nghi với thay đổi – những hành trang quan trọng để các em tự tin bước vào tương lai.

Không chỉ truyền cảm hứng, cô Mai còn mang đến một công cụ hữu ích cho các phụ huynh: mô hình SWOT. Với bốn thành phần: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức) – đây là một phương pháp phân tích đơn giản nhưng hiệu quả, giúp cha mẹ cùng con đánh giá năng lực bản thân một cách khách quan, từ đó định hướng phát triển phù hợp với sở thích, cá tính và tiềm năng riêng.

Tiếp nối chương trình, cô Hà Thị Thu Trang – Hiệu trưởng nhà trường – đã chia sẻ những định hướng giáo dục tại FPT Schools Cầu Giấy. Theo cô Trang, học sinh nơi đây không chỉ học để “thuộc bài” mà còn được khuyến khích trở thành người học chủ động, tham gia vào các dự án thực tế, hoạt động trải nghiệm, sân chơi trí tuệ và nghệ thuật. Điều đó không chỉ tạo hứng thú trong học tập mà còn bồi dưỡng tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và tinh thần sáng tạo.
“Chúng tôi tin rằng, mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt, có những giá trị và tiềm năng riêng biệt. Nhiệm vụ của nhà trường là tạo ra môi trường để các con được phát huy tối đa khả năng của mình, được thử – được sai – được sửa – và được trưởng thành” – cô Trang chia sẻ.

Phần chia sẻ cuối chương trình đến từ cô Trần Huyền Trang – Phó Hiệu trưởng nhà trường. Cô Trang đã mang đến cái nhìn toàn diện hơn về cách FPT Schools chăm sóc và đồng hành cùng học sinh trong hành trình trưởng thành. Từ dịch vụ bán trú với quy trình chăm sóc khoa học, đảm bảo dinh dưỡng – nghỉ ngơi – vận động hợp lý, đến các hoạt động trải nghiệm đa dạng như: Các câu lạc bộ, sân chơi thể thao, nghệ thuật và học thuật,… tất cả đều hướng đến việc phát triển toàn diện: trí tuệ, thể chất và cảm xúc cho học sinh.
Ngoài ra, các thông tin tuyển sinh, kỳ thi học bổng và các ưu đãi cũng được cô Trang giới thiệu rõ ràng, giúp phụ huynh có cái nhìn tổng quan và đầy đủ về hành trình học tập tại FPT Schools Cầu Giấy.

Buổi hội thảo khép lại nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều bậc phụ huynh. Bởi hơn cả một buổi chia sẻ kiến thức, “Future Me – Học tập chủ động, sống bản lĩnh” đã mở ra những góc nhìn mới về giáo dục: nơi điểm số không còn là đích đến duy nhất, mà quan trọng hơn là hành trình mỗi học sinh hiểu mình, làm chủ mình và vững vàng bước đi trong cuộc đời.
Khi nhà trường – phụ huynh cùng trao cho con trẻ niềm tin, công cụ và môi trường phát triển, thì bản lĩnh và sự chủ động sẽ không còn là điều xa vời, mà trở thành hành trang vững chắc của mỗi đứa trẻ trong tương lai.