Học sinh FPT và học sinh Phổ thông quốc tế VN họp "Hội nghị Thượng đỉnh về vấn đề Châu Nam Cực"
Ngày đăng: 17/03/2022
Thay vì trao kiến thức địa lý như một tiết học thông thường, học sinh khối THCS FPT Schools và học sinh trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam đã tranh luận, đề xuất những giải pháp hữu ích, thiết thực để ngăn chặn tác động của hiện tượng băng tan ở Châu Nam Cực tới Việt Nam.
Nhằm tạo hứng thú và mang lại một không gian học tập mới trong môn học Địa lý lớp 7. Chiều 16/3, học sinh của lớp 7A1, trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy và trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam đã bàn luận về vấn đề Châu Nam Cực – Châu lục lạnh nhất thế giới.
Tiết học được mô phỏng theo hình thức Hội nghị Thượng đỉnh, diễn ra trong 45 phút.
Dưới sự hướng dẫn của 2 giáo viên địa lý, cô Trịnh Thuỳ Linh (trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy) và cô Vũ Thị Quyến (trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam), các con học sinh được chia thành 6 nhóm, đại diện cho 6 nước: Mỹ, Đức, Anh, Nhật, Pháp, Australia, Việt Nam để thảo luận.
Trong đó, 3 nhóm học sinh của trường TH&THCS FPT, đại diện cho các nước Mỹ, Đức, Anh tìm hiểu về: Địa lí châu Nam Cực; Hoạt động kinh tế; Hệ sinh thái và phụ trách chủ trì hội nghị.
Ba nhóm học sinh của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, đại diện cho nước Nhật, Pháp, Australia: Tìm hiểu lịch sử châu Nam Cực; Hiện tượng Băng tan ở châu Nam Cực và Ảnh hưởng của hiện tượng băng tan đến Việt Nam.
Sau thời gian đầu tư công sức tìm hiểu, với sự hướng dẫn của hai cô giáo, các con học sinh đã thể hiện khả năng sáng tạo qua các sản phẩm: Powerpoint, video, Infographic,…Đặc biệt, các em còn sử dụng nhiều hình ảnh minh hoạ, biểu đồ, trích dẫn số liệu từ các báo cáo. Điều này đã giúp cho bài thuyết trình trở nên sinh động, khách quan hơn.
Xuyên suốt “Hội nghị”, dưới sự dẫn dắt mạch lạc, tự tin của hai học sinh FPT: Cao Tiến Kỳ và Nguyễn Vũ Hà Anh, 6 nhóm đại diện cho 6 nước lần lượt thuyết trình các vấn đề đã tìm hiểu.
Sau khi trình bày các vấn đề, thực trạng và tác động của hiện tượng băng tan ở Châu Nam Cực tới Việt Nam, các con học sinh còn mạnh dạn đề xuất các giải pháp thiết thực để ngăn ngừa biến đổi khí hậu, từ đó làm giảm hiện tượng băng tan như: Hạn chế rác thải nhựa, trồng cây, tái chế những đồ vật đã qua sử dụng…
Cuối buổi thuyết trình, cô Vũ Thị Quyến, giáo viên địa lý trường phổ thông quốc tế Việt Nam bày tỏ sự bất ngờ và tự hào: “Các sản phẩm của các con thể hiện sự đầu tư và nghiên cứu rất kỹ lưỡng, hình thức bài thuyết trình đa dạng, khiến cô và cô Linh rất bất ngờ. Cô tin trong tương lai các con sẽ làm được những điều tuyệt vời hơn nữa”.
Để các con có thể nhớ kiến thức bài học lâu và sâu hơn, cô Quyến và cô Linh đã khái quát lại 4 nội dung chính về châu Nam Cực như sau:
- Các đặc điểm về điều kiện tự nhiên: Vị trí, khí hậu, địa hình, các loài động thực vật và khoáng sản.
- Lịch sử khám phá và nghiên cứu ra Châu lục: Đây là Châu lục được biết đến muộn nhất và để bảo vệ châu lục này người ta đã ban hành Hiệp ước Châu Nam Cực.
- Hiện trạng của Châu lục: Băng tan, suy giảm nguồn động vật, thực vật, chưa có dân cư sinh sống thường xuyên.
- Tác động của hiện tượng băng tan đến Việt Nam: Nước biển dâng, dẫn tới suy giảm diện tích đất và xâm nhập mặn.
Thông qua tiết học thú vị này, các con học sinh đã có cơ hội tìm hiểu và trau dồi thêm các kiến thức về Châu Nam Cực. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nghiệm của một công dân toàn cầu đối với các vấn đề xã hội “nóng” trên thế giới, rèn luyện khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp hành động.
Lớp học “không biên giới” được trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy triển khai trong thời gian học tập trực tuyến. Tận dụng lợi thế công nghệ thông tin, nhà trường đã kết nối với các trường trong và ngoài nước. Mô hình lớp học này đã xoá nhoà khoảng cách địa lý, giúp các FPTer có cơ hội được giao lưu với các bạn học sinh ở các ngôi trường khác, đồng thời giúp các con thêm những trải nghiệm, kiến thức mới mẻ.
Theo kế hoạch, lớp học “không biên giới” tiếp theo sẽ diễn ra vào thứ 5 (30/3), kết nối học sinh trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy với học sinh trường THCS Nguyễn Chí Thanh.