Năm học mới bắt đầu trong đại dịch, bố mẹ nên chuẩn bị gì cho con?
Ngày đăng: 09/08/2021
Năm học 2021-2022 dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 16/8, trong khi đó tình hình dịch bệnh vẫn có nhiều biến động. Vậy con vào lớp 1 cần chuẩn bị những gì? Học sinh lớp 6 có thể có những thay đổi như thế nào? Ba mẹ sẽ hỗ trợ con trong việc học tập ra sao? Tất cả những lo lắng, trăn trở của ba mẹ đều đã được giải đáp trong Hội thảo trực tuyến "Đồng hành cùng con chuyển cấp" do FPT Schools tổ chức.
Đều đặn vào các buổi cuối tuần (từ 31/7/2021), hàng trăm ba mẹ đã cùng nhau tham dự những buổi Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Đồng hành cùng con chuyển cấp". Đây là chương trình FPT Schools dành riêng cho các phụ huynh có con sắp bước vào ngưỡng cửa TH và THCS.
Các buổi hội thảo được chia theo từng cấp học, thuận tiện để ba mẹ theo dõi và đồng hành với nhà trường trong việc tạo môi trường tốt nhất cho con phát triển. Mỗi chương trình đều có sự góp mặt của đại diện Ban Giám hiệu và giáo viên FPT Schools: cô Trần Thị Thanh - Tổ trưởng chuyên môn khối Tiểu học; cô Nguyễn Ngọc Ngà - GV Tiếng Anh khối Tiểu học; cô Lê Thị Thu Hà - Tổ trưởng chuyên môn khối THCS; cô Ngô Kim Oanh - GVCN lớp 6 năm học 2020-2021; cô Nguyễn Thị Hà - GV Tiếng Anh khối THCS; cô Nguyễn Thị Việt Hải - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông. Thầy cô và ba mẹ đã có những trao đổi chân thành, thẳng thắn và thú vị về hành trang chuyển cấp mà mỗi lứa tuổi của các con cần có.
Hành trang tâm lý vững vàng
Một trong những nỗi lo của cha mẹ khi con chuyển cấp chính là những thay đổi về tâm sinh lý. Đối với học sinh sắp vào lớp 1 - có thể coi đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của con, vì con sẽ chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo sang hoạt động học tập là chủ đạo của học sinh ở trường tiểu học.
"Tâm lý sợ đến trường sẽ xuất hiện ở nhiều bạn nhỏ, vậy nên, việc đầu tiên cần chuẩn bị là làm cho con thích đến trường, thích đi học. Bố mẹ có thể kể cho con nghe về ngôi trường mới, thầy cô, đồng phục,... để khơi dậy sự tò mò và mong muốn được đến trường ở mỗi bạn nhỏ. Hoặc, cả nhà dành thời gian để chuẩn bị đồ dùng học tập, cho con tự lựa chọn tủ sách, màu sắc của bút, nhãn vở,... Chính việc nhỏ đó sẽ hình thành cho con sự yêu thích ngồi vào bàn học và ý thức giữ gìn, chăm chút góc học tập của mình" - cô Trần Thị Thanh - Tổ trưởng chuyên môn khối Tiểu học chia sẻ.
Nếu như ở Tiểu học, các con luôn muốn gần gũi bố mẹ thì với học sinh khối 6 - lứa tuổi dậy thì sẽ chứng kiến những sự thay đổi của con như tách dần cha mẹ để khẳng định bản thân, dễ cáu kỉnh, khó bảo. Nhiều phụ huynh chia sẻ, các con như trở thành một con người khác, không còn gần gũi và chia sẻ mọi thứ nữa. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ dễ căng thẳng và xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, các vấn đề như bạo lực học đường hay tình yêu tuổi học trò cũng là mối bận tâm của cha mẹ khi con chuyển cấp THCS.
Cô Ngô Kim Oanh - GVCN lớp 6 FPT Schools năm học 2020-2021, thấu hiểu với những lo lắng của cha mẹ. Với nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng các con học sinh đầu cấp THCS, cô khuyên không chỉ các con mà ngay cả ba mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý thật vững vàng ở giai đoạn này.
"Những biểu hiện thay đổi của con là hoàn toàn bình thường đối với lứa tuổi vị thành niên. Các con cần thời gian để bố mẹ ghi nhận và tin tưởng. Thay vì đặt áp lực lên con, cha mẹ nên đặt bản thân vào vị trí của các con. Hãy tạo động lực cho con bằng cách cổ vũ khi con làm tốt và nhắc nhở khi con làm chưa tốt”. Bên cạnh đó, cô Kim Oanh cũng gợi ý cuốn sách “Cuộc chiến tuổi dậy thì” của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa dành cho các bậc phụ huynh. Cuốn sách nói về những xung đột về tâm lý của các bạn học sinh cấp 2 cũng như cách để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn nhạy cảm, “vượt sướng còn khó hơn vượt khổ”.
Về câu chuyện tình yêu tuổi mới lớn, cô Lê Thị Thu Hà - Tổ trưởng chuyên môn khối THCS, chia sẻ: “Ai trong số chúng ta cũng đã từng trải qua tuổi học trò. Việc các con rung động với bạn khác là bình thường. Nhà trường đã mở phòng tư vấn tâm lý học đường và tổ chức nhiều workshop khác nhau về giáo dục giới tính, tình yêu tuổi học trò để con được trang bị kiến thức về chủ đề này”. Giải đáp về vấn đề bạo lực học đường, cô Thu Hà cho biết, ba mẹ cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để giải quyết vấn đề. Giáo viên chủ nhiệm là người luôn theo sát các em và có thể giúp các bậc phụ huynh nói chuyện, hoà giải giữa các em học sinh.
Phương pháp học tập phù hợp
Là phụ huynh có con sắp vào lớp 1, chị Bích Vũ không khỏi lo lắng về cách học tập của con nếu dịch bệnh còn kéo dài: "Trước đây học mẫu giáo thì con chưa được làm quen với việc học online nên gia đình chưa biết sẽ hỗ trợ con như thế nào cho hiệu quả, đặc biệt là việc uốn nắn chữ, và làm sao để con có kế hoạch học tập hợp lý."
Trả lời câu hỏi của phụ huynh Bích Vũ, cô Trần Thị Thanh chia sẻ, nhà trường đã lên kế hoạch năm học dự kiến và sẽ có điều chỉnh phụ thuộc hoàn cảnh chung của xã hội. Theo đó, các con khối lớp 1 sẽ học tập trực tuyến vào buổi tối để ba mẹ có thể giúp đỡ và đồng hành với con. Trước khi năm học chính thức bắt đầu, nhà trường cũng tổ chức tuần học định hướng theo hình thức online để các con làm quen và rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính để học tập. Về việc rèn chữ cho các con khối lớp 1, mỗi giáo viên chủ nhiệm sẽ có phương pháp truyền tải khác nhau đảm bảo quá trình học tập của con diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Các kế hoạch học tập cá nhân sẽ được thầy cô trao đổi chi tiết với ba mẹ để cùng xây dựng và định hướng cho con.
Không chỉ thay đổi tâm sinh lý, học sinh lên lớp 6 sẽ còn phải “đối mặt” với rất nhiều sự khác biệt so với bậc tiểu học về mặt kiến thức, chương trình học, phương pháp dạy học. Cụ thể, ở THCS, các tiết học sẽ dài hơn, nhiều thông tin hơn đòi hỏi các bạn học sinh phải tập trung lắng nghe và chủ động ghi chép. Đặc biệt, tại FPT Schools Cầu Giấy, hoạt động dự án sẽ diễn ra thường xuyên, yêu cầu học sinh phải trau dồi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và tư duy áp dụng kiến thực vào thực tiễn.
Ngoài ra, việc đánh giá học lực ở cấp 2 cũng sẽ khác với cấp 1, bởi số lượng bài kiểm tra nhiều, thậm chí liên tiếp giữa các môn - để có thể đáp ứng được yêu cầu học tập, bố mẹ nên kết hợp cùng thầy cô để lập thời gian biểu phù hợp với mức độ tập trung của con, hướng dẫn con soạn bài và xem trước kiến thức môn học. Bố mẹ tuyệt đối không nên làm bài hộ con - điều này sẽ khiến con trở nên ỷ lại và không muốn suy nghĩ, tư duy khi học bài. Gia đình có thể thiết lập kỷ luật tại nhà bằng cách xây dựng các quy ước về học tập, rèn luyện của con hay thưởng những món quà nhỏ khi con được điểm tốt.
Một câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra tại hội thảo, đó là đối với những môn học mới như Lập trình, Robotics, Công Nghệ 4.0 thì nhà trường định hướng các con như thế nào để con không bỡ ngỡ?
Chia sẻ với mối quan tâm về chương trình học riêng của FPT Schools, cô Lê Thị Thu Hà cam kết: “Nhà trường sẽ có những biện pháp cụ thể theo từng môn học để hỗ trợ học sinh tối đa trong việc làm quen với các công cụ học tập, làm quen với môi trường và môn học. Bên cạnh việc tổ chức các buổi định hướng giúp đỡ học sinh chuyển cấp, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người theo sát, quan tâm và giúp các bạn hòa nhập”.
Kết thúc hội thảo, phụ huynh Phạm Hiền chia sẻ: “Mình cũng có rất nhiều băn khoăn khi con chuyển cấp. Nếu có thể trực tiếp đến trường để gặp các thầy cô thì rất tốt. Tuy nhiên sau khi lắng nghe chia sẻ từ các giáo viên thì mình rất tin tưởng thầy cô và nhà trường sẽ giúp các con có thể thích nghi với môi trường mới”.
Chuyển cấp chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng mà đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng và nỗ lực từ học sinh - phụ huynh - nhà trường. FPT Schools mong rằng, chuỗi Hội thảo trực tuyến đã giúp các bậc phụ huynh giải đáp những thắc mắc về việc chuyển cấp của con cũng như chương trình học tại trường FPT. Mọi vấn đề cần được tư vấn, quý phụ huynh có thể liên hệ Phòng Tuyển sinh và Truyền thông theo số điện thoại: 0837 069 333.
Năm học 2021-2022, trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy tuyển sinh:
– Khối 1: 300 học sinh – Khối 6: 300 học sinh – Khối 2 và 7: 60 học sinh |