Những tham luận bàn về "Ứng dụng dạy và học" đáng chú ý tại FPT Educamp 2022
Ngày đăng: 13/12/2022
Diễn ra tại FPT Edu campus Bắc Ninh, hội thảo FPT Educamp 2022 đã thu hút 63 diễn giả đến từ FPT Edu 3 miền. Trong đó có nhiều diễn giả mang tới sự kiện những tham luận bàn về "Ứng dụng dạy và học" hiệu quả trong giáo dục như: Triển khai cá thể hóa trong giảng dạy, Ứng dụng thiết kế, mô phỏng 3D trong giáo dục, Trợ lý ảo trong giảng dạy…
Triển khai cá thể hóa trong giảng dạy Thiết kế Đồ họa nhằm phát triển Phong cách thiết kế từ Cái tôi cá nhân của mỗi Người học.
Tham luận "Triển khai cá thể hóa trong giảng dạy Thiết kế Đồ họa nhằm phát triển Phong cách thiết kế từ Cái tôi cá nhân của mỗi Người học" là của Giảng viên Nguyễn Đức Sơn – Greenwich Việt Nam (TP. HCM). Mang đề tài này đến với FPT Educamp 2022, diễn giả Nguyễn Đức Sơn chủ yếu bàn về việc kết hợp hài hòa giữa việc xác định người dạy hay người học làm trung tâm trong từng giai đoạn khác nhau của quá trình đào tạo, để tối ưu hóa chất lượng dạy và học.
Theo diễn giả Nguyễn Đức Sơn: "Để thực hiện “Cá thể hóa”, người dạy phải nghiên cứu hồ sơ, đánh giá để định hướng cho các nhu cầu chung của cả lớp, của các nhóm nhỏ hoặc từng cá nhân người học.
Thực tế cho thấy, mỗi cá nhân người học đều có những năng lực khác nhau, không đồng đều để tiếp cận nội dung và đạt được chuẩn đầu ra của môn học. Nếu giảng viên thực hiện cá thể hóa trong dạy học sẽ giúp cho mỗi người học phát triển năng lực cá nhân của mình một cách tốt nhất.
Qua đó, góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển bền vững, “không để ai lại phía sau” chỉ vì không theo kịp với chương trình đào tạo".
Đặc biệt hơn, tham luận của diễn giả Nguyễn Đức Sơn còn thể hiện nghiên cứu thực tế từ trường hợp đào tạo Thiết kế Đồ họa ở Greenwich Vietnam (campus TP. HCM). Từ kết quả đó, diễn giả cũng đề xuất giải pháp triển khai giảng dạy Thiết kế Đồ họa một cách hiệu quả, phát triển được năng lực thiết kế của sinh viên. Định hình phong cách thiết kế mỹ thuật trên cơ sở bản sắc của mỗi người học, giảm tỷ lệ bỏ học do không theo kịp chương trình đào tạo.
Ứng dụng thiết kế, mô phỏng 3D trong giảng dạy
Cô Trần Thị Bích Hằng hiện đang là Tổ trưởng chuyên môn bộ môn Công nghệ 4.0 tại Trường Tiểu học, THCS FPT Cầu Giấy. Năm 2021, khi thầy và trò FSC Cầu Giấy phải triển khai học tập online, cô là một trong những người đi đầu trong việc phổ biến việc ứng dụng các website, phần mềm vào giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học online.
Từ việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy thực tế, thấy được hiệu quả của các ứng dụng này trong công tác dạy và học, ngay cả trong thời điểm học sinh học tập tại trường, cô Hằng đã đem kinh nghiệm của mình tới FPT Educamp thông qua đề tài "Ứng dụng thiết kế, mô phỏng 3D trong giảng dạy".
Theo cô Hằng, việc ứng dụng các thiết kế, mô phỏng 3D trong giảng dạy sẽ giúp thu hút học sinh, giúp các em ghi nhớ lâu hơn, khiến các em thích thú với bài học. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể trải nghiệm tự tạo ra các thí nghiệm, thử thách, câu chuyện dựa trên nền tảng kiến thức đã được học ngay trên các nền tảng xây dựng không gian 3D.
Một số các ứng dụng mà cô Hằng giới thiệu trong bài tham luận của mình có thể kể đến:
Mozaik- cung cấp hình ảnh 3D tất cả các môn học, thầy cô có thể sử dụng trong bài giảng hoặc cho HS trực tiếp trải nghiệm để hiểu, hình dung về các khái niệm, thí nghiệm, cấu tạo, hiện tượng, công trình lịch sử trong nhiều môn học: Toán, lý, Hóa, Sinh, Sử…dưới dạng không gian 3 chiều.
Co-Space: thiết kế 3D trong các bộ môn, có thể áp dụng xây dựng bảo tàng trong môn Lịch sử, thiết kế các thí nghiệm hóa học, mô phỏng hoạt động vật lý, lập trình với nhân vật thật…
VEX.vr: website hỗ trợ lập trình và mô phỏng chuyển động của robot ảo. Từ đó, HS có thể kiểm nghiệm tính chính xác của chương trình lập trình và phân tích xem mỗi câu lệnh đó sẽ tương ứng với hoạt động của robot như thế nào.
Phoenix: mô phỏng lái máy bay 3D: Trước khi máy bay được lái trực tiếp, sẽ có phần lái mô phỏng để kiểm tra tính lập trình, điều khiển chính xác của tay điều khiển.
Homestyler: thiết kế nhà 3D chuyên nghiệp, đẹp mắt, giúp HS có thể ngay lập tức nắm được các kiến thức về phòng ốc trong căn nhà.
Trợ lý ảo trong giảng dạy
"Trợ lý ảo trong giảng dạy" là tham luận của thầy Nguyễn Phước Cường – Trưởng ban đào tạo FPT Polytechnic Tây Nguyên. Trong tham luận của mình, thầy Cường đề xuất việc áp dụng công nghệ thực tế vào để đem tới cho sinh viên những trải nghiệm gần với thực tế nhất trong trường hợp không có điều kiện để sinh viên trải nghiệm môn học thực tế.
Theo diễn giả Nguyễn Phước Cường, "với phương châm “Trường học trải nghiệm”, FPT Edu đã và đang làm rất nhiều điều để biến trường học là một nơi học gắn liền với thực tế, trường là doanh nghiệp… Do đó, trường phải có xưởng thực hành, tuy nhiên tùy theo ngành nghề có thể làm được xưởng, có những nghề không làm được, hoặc làm được với chi phí rất cao hoặc khó triển khai. Ví dụ như, để biết các bộ phận trong con người, muốn tìm hiểu về thành phần cấu tạo của một laptop, muốn tìm hiểu về quá trình chăm sóc và phát triển của rau thì phải đến nông trại nhiều lần, hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử, địa lý chỉ thông qua sách “chữ” thì rất khó tiếp thu hoặc chỉ học vẹt…"
Giải pháp hiện nay là công nghệ thực tế ảo. Điểm thuận lợi của việc này là sinh viên có thể tự khám phá và học tập thông qua điện thoại thông minh, có thể học bất cứ khi nào và ở đâu. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo và người học có thể tự học tập suốt đời thông qua các tài liệu số hiện có và đang phát triển.
Tại hội thảo FPT Educamp 2022, thầy Cường đã hướng dẫn người tham dự tải ứng dụng và thực hiện việc ứng dụng thực tế ảo vào chính những học liệu sẵn có tại phiên trình bày.
Thao tác đơn giản, ứng dụng dễ sử dụng và thú vị đã khiến người tham dự phiên thảo luận trở nên sôi nổi, hào hứng.
FPT Educamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức hàng năm để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FPT Edu nói riêng. |
Theo Tổ chức Giáo dục FPT