'Thước đo sự thành công không phù hợp sẽ biến tướng mục tiêu giáo dục'

Ngày đăng: 05/05/2022

Baoquocte.vn. Thạc sĩ Khoa học Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành Hệ thống trường Tiểu học và THCS FPT Hà Nội cho rằng, thước đo sự thành công không phù hợp sẽ biến tướng mục tiêu của giáo dục, từ đó sai lệch cách nhìn nhận của xã hội.

Chị nhìn nhận thế nào về áp lực của trẻ em Việt từ góc độ trách nhiệm của giáo dục, phương pháp giáo dục ở bậc phổ thông mà các nhà trường đang triển khai hiện nay?

Giáo dục phổ thông (GDPT) đang chuyển từ hướng tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực người học.

Thực tế, chương trình GDPT mới kèm với sự thay đổi toàn bộ sách giáo khoa giúp học sinh tiếp cận với nền tảng tri thức và kỹ năng đổi mới. Đồng thời, thay đổi toàn diện phương pháp dạy, học, đánh giá tại các nhà trường.

Học không bao giờ là đủ và cũng chẳng khi nào là muộn. Vì vậy, học chưa bao giờ dễ dàng mà không có áp lực cả.

Áp lực trước đây nếu nghiêng về đánh giá điểm số thì hiện nay là áp lực hoàn thiện bản thân, phát triển năng lực cá nhân.

Thạc sĩ Phạm Thị Khánh Ly cho rằng, thước đo sự thành công không phù hợp sẽ biến tướng mục tiêu của giáo dục
Thạc sĩ Phạm Thị Khánh Ly cho rằng, thước đo sự thành công không phù hợp sẽ biến tướng mục tiêu của giáo dục

Thành tích là cần thiết nhưng theo bà, có cần phải thay đổi các tiêu chí về thành tích hay không? Cần quan tâm hơn đến các chỉ số hạnh phúc của trẻ khi đến trường và đánh giá về các hoạt động ngoại khóa thế nào?

Thành tích là những kết quả mà cá nhân hoặc tổ chức đạt được bằng thực chất và sự nỗ lực hết sức của bản thân, việc ghi nhận thành tích được xem như một cách để tạo động lực học tập cho học sinh.

Xã hội ngày càng thay đổi, các tiêu chí đánh giá cũng cần thay đổi. Học sinh ngày nay sử dụng công nghệ vô cùng giỏi. Áp lực học hành, bài vở nhưng nhờ công nghệ phát triển nếu cần gì, bằng sự nhanh nhạy, học sinh "lên" Google là có ngay. Chỉ là, kiến thức không vào đầu dù điểm số thì vẫn đều đều vào sổ.

Học sinh hiện nay đến trường không phải chỉ để lấy kiến thức mà là nơi trang bị toàn diện những năng lực và phẩm chất cơ bản. Việc đánh giá về lực học, về đạo đức chưa đủ, mà cần có thêm những đánh giá toàn diện như về các hoạt động ngoại khoá, bảng điểm về trải nghiệm.

Cùng với đó, cần đánh giá về các chỉ số hạnh phúc của trẻ khi đến trường để quãng đời học sinh phải là một hành trình trải nghiệm để trưởng thành.

Chỉ số hạnh phúc có thể đơn giản là trẻ sẽ cảm thấy tự tin và ham học, muốn đến trường để biết thêm những điều bổ ích, những chân trời mới lạ.

Vậy có phải trẻ em Việt đang chịu áp lực học tập rất lớn?

Áp lực là động lực, động cơ trong việc đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Nếu không có áp lực thì không có thành tích, không có thành quả, sẽ chẳng có mục tiêu nào được đặt ra và đạt được.

Theo thống kê, khoảng hơn 80% học sinh và sinh viên ở nước ta phải đối mặt với áp lực học tập, gặp nhiều ở học sinh cấp 2, cấp 3 và đại học. Trẻ ở độ tuổi tiểu học ít gặp phải tình trạng này hơn do tuổi còn nhỏ và chưa ý thức sâu sắc về vấn đề thành tích.

Câu hỏi được đặt ra, áp lực đến từ đâu? Theo tôi, nguyên nhân của những áp lực đến từ việc thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của khoa học  - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đòi hỏi nhiều sự đột phá; các nước Á Đông có truyền thống coi trọng bằng cấp hơn các nước khác; sợ bản thân thua kém người khác; sự quá nhiều kỳ vọng từ bố mẹ; áp lực thành tích từ nhà trường, giáo viên...

Nhiều người cho rằng, học ở nước ngoài nhẹ nhàng và ít áp lực hơn. Có phải việc học ở Việt Nam nặng nề là do chúng ta đã tự gia tăng cho chính mình áp lực phải thành thạo, đặc biệt là thành thạo những thứ không cần thiết?

Khi so sánh, chúng ta phải đặt trên nền tảng kinh tế, xã hội, mặt bằng dân trí ở mỗi quốc gia. Giáo dục phổ thông trang bị kiến thức làm hành trang cuộc sống. Cuộc sống càng hiện đại phức tạp, con người càng phải giải quyết nhiều vấn đề, vì thế, càng phải được trang bị nhiều kỹ năng.

Nếu so sánh chương trình GDPT mới Toán lớp 6 của Việt Nam trang bị 48 kỹ năng thì chương trình của Australia trang bị tới 89 kỹ năng.

Toán của chúng ta tập trung vào giải toán thì nước bạn bổ sung kỹ năng giải quyết vấn đề cụ thể về chuyển đổi tiền tệ, về bài toán quản lý tài chính cá nhân, khám phá vẻ đẹp của môn học trong những ứng dụng nghệ thuật.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng ra đời dựa trên toán học như bức hoạ nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci. Leonardo từng là nhà toán học nên ông hiểu rõ khái niệm về tỷ lệ vàng.

Tôi đồng ý điều tạo ra áp lực cũng chính là thành thạo những thứ không cần thiết. Theo lý thuyết sư phạm, để đạt tới 95% độ thành thạo một kỹ năng, các em cần nỗ lực gấp bốn lần so với đạt 70%.

Trong khi đó, nếu học tập hiệu quả, các em chỉ cần dùng 20% thời gian để hiểu được 80% khối lượng kiến thức và dành 80% thời gian còn lại tìm kiếm sự đột phá để nhân lên n lần sự thành công.

Chị có nói áp lực là động lực, động cơ trong việc đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Nhưng rõ ràng, áp lực đang khiến nhiều trẻ em cảm thấy ngột ngạt với việc học và chạy đua thành tích. Chị nghĩ sao?

Trong cuộc sống, trên bất kỳ chặng đường nào, để thành công, không thể không có cạnh tranh và áp lực. Tuy nhiên, nếu thước đo sự thành công không phù hợp sẽ biến tướng mục tiêu của giáo dục, từ đó sai lệch cách nhìn nhận của xã hội, sai lệch hành vi xã hội.

Trong nhà trường, nếu áp lực chỉ là điểm số, chỉ là tỷ lệ đỗ - trượt, đoạt giải học sinh giỏi quốc gia… đương nhiên sẽ kéo theo cả nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh vào vòng xoáy đó.

Ở Tổ chức giáo dục FPT có chung một triết lý “Giáo dục đào tạo là tổ chức và quản trị việc tự học của người học”. Chúng tôi quan điểm chỉ khi học sinh được rèn luyện kỹ năng tự học, tự lập, từ đó học sinh sẽ biết cách tự vượt qua áp lực học tập để bản thân có được sự thoải mái tinh thần, giúp tư duy tốt hơn.

Theo chị, các cơ quan chuyên môn cần có những đánh giá, xây dựng những tiêu chí mới cho thành tích thế nào?

Chúng ta phải song hành thay đổi tiêu chí đánh giá cho trường học, giáo viên và tiêu chí đánh giá học sinh bởi nếu chỉ thay đổi đánh giá học sinh trong khi đánh giá trường học, giáo viên vẫn như cũ thì tôi tin rằng kết quả cũng không có gì thay đổi so với trước đây.

Các tiêu chí mới cần dựa trên 2 mục tiêu:

Thứ nhất, mục tiêu dài hạn, đó là học để làm, học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Muốn phát triển bền vững thì mục tiêu của quá trình học tập phải là học để phục vụ cuộc sống và ứng dụng vào thực tế. Phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh, trở thành những công dân toàn cầu.

Thứ hai, mục tiêu ngắn hạn, đó là các cuộc thi giành giải thưởng như học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật, các kỳ thi xếp hạng…

Tuy nhiên, nội dung thi, phương thức thi cần có sự thay đổi để phù hợp với mục tiêu dài hạn, sẽ vẫn là điểm số nhưng điểm số đó sẽ đánh giá được toàn diện hơn.

Xin cảm ơn chị!

Tin cùng chuyên mục

Đăng ký tư vấn

  • Vui lòng nhập lại các ký tự sau:

Tin mới nhất

Chuyên mục

Sự kiện sắp diễn ra

Cover event hoi thao 3.3
09:00
Trường TH&THCS FPT