HỌC SINH KHỐI 6 FPT HỌC CÁCH LÀM CHỦ KHÔNG GIAN MẠNG - DỰ ÁN "TƯ DUY THỜI ĐẠI SỐ"
Ngày đăng: 25/10/2020
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã và đang được coi là vấn đề cấp thiết toàn cầu. Với dự án "Tư duy thời đại số" trong môn Công nghệ thông tin, học sinh khối 6 FPT được đào tạo kỹ năng công dân số; học cách ứng xử, bảo vệ bản thân an toàn khi lên mạng; biết phân biệt fakenews;...
Trước sự bùng nổ của công nghệ số, học sinh được làm quen với không gian mạng từ sớm. Tuy nhiên, môi trường số phức tạp, luôn tồn tại nhiều cạm bẫy, tiêu cực và những thông tin thật, giả lẫn lộn, các em có thể bị xâm hại và không chỉ bị ảnh hưởng đến thể chất, mà còn bị ảnh hưởng cả tâm lý và khả năng học tập.
Nhằm giúp học sinh trang bị những kĩ năng cần thiết để tự thích nghi và chủ động bảo vệ mình trên môi trường số, FPT Schools triển khai dự án "Tư duy thời đại số" - We think Digital cho học sinh khối 6.
Dự án “Tư duy thời đại số” tập trung vào 7 nội dung vô cùng cần thiết với thế hệ học sinh hiện nay, bao gồm:
- Dấu chân số
- Bảo vệ danh tính số
- Tôn trọng trong giao tiếp
- Thực hành tư duy tích cực
- Trở thành người có tư duy phản biện
- Các mẹo phân biệt tin giả
- Kỹ năng xác thực thông tin.
Cụ thể hơn, ở nội dung “Dấu chân số”, học sinh sẽ được tìm hiểu các khái niệm về dấu chân số, danh tính số, từ đó thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ danh tính số trên mạng xã hội, trên môi trường Internet. Với nội dung “Bảo vệ danh tính số của bạn”, các con sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách bảo vệ danh tính số, đồng thời được trang bị kĩ năng để kiểm soát cách thức và tần suất tương tác của bản thân trên môi trường số. Nội dung “Kỹ năng xác thực thông tin số” giúp các con nắm được cách xác thực thông tin số, nhận diện tin tức giả trên internet.
Chia sẻ về mục tiêu của dự án, cô Phương Thùy - GV Công nghệ thông tin, cho biết: "Internet hay mạng xã hội đều có những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích vẫn tồn tại những tác hại. Do vậy, chúng tôi trang bị cho học sinh cách để tự bảo vệ mình nhiều nhất trên mạng xã hội. Thông qua bài học, các con sẽ dần hình thành và xây dựng cho mình những kỹ năng phù hợp như: cách tìm kiếm, chọn lọc thông tin,... để phục vụ cho đời sống và học tập”.
Không dừng lại ở kiến thức lý thuyết, Ếch Cốm đã thực hành bảo mật cho các tài khoản cá nhân trên không gian theo nguyên tắc tạo lập mật khẩu nhằm đảm bảo tính bảo mật cao nhất: Mỗi bạn tạo cho mình một mật khẩu có độ dài từ 6-8 ký tự, có ký tự đặc biệt, các ký tự không trùng lặp, lại dễ dàng ghi nhớ.
Thực tế, mạng Internet là một thế giới thông tin khổng lồ đối với người sử dụng bao gồm cả thông tin hữu ích và thông tin có hại. Trước lượng thông tin lớn khó kiểm soát như vậy, mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ công dân số tương lai phải được trang bị kiến thức để chọn lọc thông tin đúng và phù hợp với bản thân. Đây chính là nội dung thực hành nhận biết FakeNews trong dự án.
Một ví dụ điển hình về FakeNews mà cả thế giới vừa được "trải nghiệm" trên "mặt trận" thông tin đó là: diễn biến của đại dịch Covid-19. Những tin tức sai sự thật về các ca lây nhiễm, các ổ dịch bùng phát đã khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng, lo lắng và bất an. Từ đó có thể thấy, việc nhận biết thông tin thật - giả là điều vô cùng quan trọng.
Để học sinh hiểu hơn về nội dung này, cô Phương Thùy đã cung cấp 2 bài báo và yêu cầu các con tìm kiếm các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng Internet, so sánh với nhau, áp dụng các bước xác thực thông tin đã học để đưa ra kết luận về tính chính xác của dữ liệu trong mỗi bài báo.
Sau khi vận dụng các mẹo như: hoài nghi về những tiêu đề giật tít, xem xét nguồn đăng tải tin, xem xét kỹ hình ảnh, kiểm tra ngày đăng bài.... Ếch Cốm hoàn toàn nhận diện được thông tin được cung cấp là đúng hay sai. Lê Quốc Huy (học sinh lớp 6A8) vô cùng hứng thú với hoạt động tìm kiếm thông tin, bởi nhờ hoạt động này Huy đã biết thêm cách tìm kiếm dữ liệu hữu ích từ trên mạng phục vụ cho tất cả các môn học.
"Học mà chơi - chơi mà học" - sau mỗi giờ học các con sẽ sử dụng công nghệ để củng cố kiến thức thông qua game Quizz. Những bạn đạt điểm số cao nhất trong trò chơi nhỏ này sẽ nhận được một quyển "bí kíp" an toàn trên Facebook và những phần quà khích lệ từ nhà trường.
Không đơn thuần học các kỹ năng tin học cơ bản, bộ môn Công nghệ thông tin còn cung cấp các kỹ năng mềm hữu ích như kỹ năng tìm kiếm thông tin từ mạng Internet. Nhờ đó, học sinh phát triển tư duy hoàn thiện hơn để làm chủ công nghệ thay vì để chính công nghệ dẫn dắt con người.