Học sinh THCS FPT hào hứng bàn với chuyên gia về “Chiến thuật đọc sách thông thái”
Ngày đăng: 15/11/2021
“Sau buổi workshop ngày hôm nay con cảm thấy đã mang lại rất nhiều điều bổ ích cho việc đọc sách của con và được giới thiệu rất nhiều quyển sách hay. Con cảm ơn thầy cô đã tạo ra workshop ngày hôm nay thú vị và mong thầy cô có thể tạo ra nhiều workshop như thế này hơn ạ” đó là cảm nhận của một bạn học sinh sau tham gia workshop online “Chiến thuật đọc sách thông thái” vào sáng 14/11 của Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy.
Buổi workshop “Chiến thuật đọc sách thông thái” có sự tham dự của diễn giả Nguyễn Quốc Vương - Thạc sĩ giáo dục tại Nhật Bản, tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách về chủ đề giáo dục tại Việt Nam; cô Hà Thị Thu Trang - Hiệu trưởng trường TH&THCS FPT Cầu Giấy cùng sự góp mặt của hơn 100 học sinh khối THCS.
Workshop đã truyền cảm hứng đọc cho học sinh thông qua các chia sẻ về lợi ích của việc đọc sách, phương pháp đọc sách hiệu quả và những giá trị xa hơn của việc tạo thói quen đọc sách. Đồng thời workshop cũng khẳng định về vai trò, tầm quan trọng của sách trong công tác nghiên cứu, học tập, rèn luyện và cập nhật nâng cao kiến thức.
Tiếp đó là phần được mong chờ nhất, phần chia sẻ của diễn giả Nguyễn Quốc Vượng. Trong phần chia sẻ của mình diễn giả tập trung giải đáp 4 vấn đề lớn, cũng là băn khoăn của nhiều học sinh THCS FPT Schools khi đọc sách:
- Với học sinh, đọc sách có ý nghĩa như thế nào?
- Học sinh nên đọc sách gì?
- Học sinh nên đọc sách như thế nào?
- Học sinh rèn luyện thói quen đọc sách bằng cách nào?
Chia sẻ trực tiếp tại workshop, diễn giả Nguyễn Quốc Vượng khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách: “Đọc sách giúp cung cấp thêm nhiều kiến thức cần thiết và bổ ích, ngoài ra còn giúp rèn luyện tính cách chủ động, tự tin. Không những vậy, sách còn giúp người đọc giải trí lành mạnh, giúp người đọc giảm căng thẳng, giúp não vận động và phát triển trí thông minh, tăng vốn từ vựng, nhất là trong việc học ngoại ngữ, tăng khả năng tập trung, tăng cường trí nhớ, sáng tạo và có thêm nhiều người bạn hơn.”
Đặc biệt ở lứa tuổi học trò, diễn giả cho biết sách còn là người bạn khi học sinh phải đối mặt với áp lực học tập, các vấn đề của đời sống gia đình hay khủng hoảng lứa tuổi. Đồng thời, diễn giả cũng chia sẻ những thể loại sách mà lứa tuổi học sinh nên đọc và nên hạn chế. Cụ thể, ở lứa tuổi mới lớn đang tìm tòi khám phá thế giới và bản thân, các em nên tìm đọc những đề tài gần gũi: văn học, lịch sử, địa lý, triết học, tâm lý, nghệ thuật,... Những thể loại chúng ta nên hạn chế là: truyện ngôn tình, đối với truyện tranh giải trí thì nên đọc với tỷ lệ phù hợp, thay vào đó nên quan tâm đến truyện tranh khoa học, truyện tranh học tập.
Là một vấn đề “muôn thuở” khi đọc sách, nhất là ở lứa tuổi học sinh bởi các em dễ mất tập trung, chưa thực sự hào hứng. Vì vậy, diễn giả Nguyễn Quốc Vượng đã “bày” cho các Ếch Cốm rất nhiều “bí kíp” để giải quyết vấn đề “học sinh nên đọc sách như thế nào?”. Để trả lời câu hỏi này, Ếch Cốm cần trả lời 3 câu hỏi “Đọc ở đâu?; Đọc khi nào?, Đọc bằng phương pháp nào”.
“Mỗi quyển sách mà chúng ta đọc tựa như chất dinh dưỡng được chúng ta cho nuôi dưỡng cho não bộ cho tâm hồn. Vì vậy đọc sách không chỉ cần phù hợp về nội dung mà thời gian đọc cũng phải hợp lý. Để đọc sách hiệu quả phụ thuộc lớn vào thời gian đọc. Mỗi người cần phải có thời điểm cố định trong ngày giành riêng cho việc đọc sách, mỗi ngày đọc 15-30 phút”. Diễn giả cũng chia sẻ bản thân thích đọc sách vào buổi sáng, bởi đó là khoảng thời gian tỉnh táo nhất trong ngày.
Ngoài ra, mỗi khi đọc sách, chúng ta cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng khác: đọc viết, đọc nói, đọc suy ngẫm, sáng tạo - thực hành. Cũng trong buổi chia sẻ, diễn giả Nguyễn Quốc Vượng nhận định tầm quan trọng của môi trường văn hóa gia đình và môi trường văn hóa ở trường học vô cùng quan trọng. Đây là hai môi trường gần gũi và luôn đồng hành cùng học sinh, từ đó giúp các em hình thành được tâm hồn yêu sách, hướng tới chân - thiện - mỹ.
Bên cạnh đó, buổi workshop vô cùng sôi nổi với những ý kiến và chia sẻ chân thành của các bạn học sinh THCS. Các bạn không ngần ngại bày tỏ những khó khăn của mình khi đọc sách: còn ham chơi, lười đọc, mê truyện tranh giải trí hơn khám phá khoa học,... Đặc biệt khi được đặt câu hỏi trực tiếp với diễn giả, ai cũng khao khát mình được gọi tên để chia sẻ về sở thích cũng như quan điểm bản thân về sách. Đặc biệt, có bạn còn đặt ra câu hỏi và mong diễn giải chia sẻ kinh nghiệm để trở thành một diễn giả sách.
Cuối chương trình, các Ếch Cốm còn hào hứng với một trò chơi nhỏ trên Quizz, ai nhanh tay nhanh mắt sẽ giành chiến thắng. Sau buổi workshop, rất nhiều Ếch Cốm đã dành những lời khen rất tích cực cho buổi chia sẻ. “Con cảm thấy rất vui khi được tham gia workshop ngày hôm nay . Con rất vui khi được thầy chia sẻ thêm về cách đọc sách , không gian đọc sách và được giới thiệu thêm một số quyển sách” - Đinh Thái Hoàng Nam 8A7
"Con thấy Workshop rất hay và ý nghĩa, con đã biết được thêm nhiều loại sách và con cũng học được các phương pháp đọc sách rất hay, bổ ích. Con cảm ơn thầy và các cô đã làm nên 1 Workshop rất hay, bổ ích và ý nghĩa ạ” Đinh Ngô Mai Chi_6A5.
Chia sẻ về ý nghĩa buổi workshop, cô Hà Thị Thu Trang phát biểu về ý nghĩa của việc tổ chức workshop và Dự án đọc sách của học sinh THCS mang tên "Hành trình nuôi dưỡng người đọc thông thái: "Workshop “Chiến thuật đọc sách thông thái" một sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo điều kiện cho học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của việc đọc sách và thêm say mê với việc đọc. Đồng thời giúp phát triển phong trào đọc sách, khuyến khích các em học sinh khám phá niềm đam mê đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội. Đặc biệt, workshop khẳng định giá trị, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, xây dựng phát triển văn hoá đọc trong FPT Schools".
Trường TH&THCS FPT chân thành cảm ơn sự tham gia của diễn giả Nguyễn Quốc Vương và hơn 100 các Ếch Cốm vào một buổi sáng cuối tuần. Mong rằng buổi workshop đã cung cấp cho các con nhiều kiến thức bổ ích, “bỏ túi” nhiều phương pháp đọc sách mới lạ, đặc biệt là biết thêm nhiều đầu sách hay.
Hẹn gặp lại các con ở những buổi workshop tiếp theo nhé!