"Tôi yêu và chăm sóc các con học sinh bằng trái tim người mẹ"
Ngày đăng: 26/07/2022
Đó là tâm sự và chia sẻ của cô Lê Thị Thủy - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2 (2021-2022) về hành trình chăm sóc và giảng dạy các con học sinh tại FPT Schools.
Tôi đã bước vào nghề giáo gần 10 năm nay, được tiếp xúc với lớp lớp thế hệ học trò. Nhưng tôi ấn tượng và cảm thấy được trải nghiệm nhiều nhất là lứa học trò Khối 1 - bởi các con ở giai đoạn bắt đầu có nhiều thay đổi về tâm sinh lí, chập chững bước vào chặng đường tri thức.
Lần đầu trong đời chuyển cấp học nên các con còn quen môi trường học ở mầm non với các hoạt động vui chơi là chủ yếu, luôn hồn nhiên vô tư, chưa biết việc học là như thế nào. Lên lớp 1, các con cần phải tự lập hơn, hoạt động học sẽ nhiều hơn. Chính vì vậy, đây là một thử thách đối với các giáo viên như tôi và cả các bố mẹ - nhất là với những phụ huynh lần đầu có con vào lớp 1. Nhiều phụ huynh tâm sự với tôi rằng, họ không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì và cần những gì để dạy cho con...
Ở góc độ giáo viên, tôi cho rằng trong quá trình chăm sóc và dạy dỗ các con, mỗi thầy cô đều cần sự linh hoạt, nhưng để giúp các con tiến bộ lên mỗi ngày - điều tôi cho là quan trọng hơn cả, đó là tình yêu thương của giáo viên dành cho học sinh chứ không phải là công cụ hỗ trợ nào. Thầy cô cần bao dung, kiên nhẫn, chia sẻ và thấu hiểu để trở thành người bạn đồng hành và định hướng giúp trẻ tự tin và phát triển toàn diện.
Ví dụ, ban đầu các con chưa biết nề nếp lớp học, nhiều em không ngồi nghiêm túc, hay rời khỏi vị trí học; có bạn nhút nhát không dám trả lời khi cô gọi... có một vài trường hợp học sinh tức giận, khóc thét trong giờ học vì không làm được giống như cô giáo. Những lúc như vậy, tôi biết rằng bản thân cần bình tĩnh trước, gọi con ra một góc nhỏ, cùng con thủ thỉ để gọi tên chính xác cảm xúc của con và hướng dẫn con cách thể hiện cảm xúc cho phù hợp.
Thời gian học online, tôi gặp rất nhiều tình huống "dở khóc dở cười". Học trực tuyến, việc hướng dẫn, dạy các con cách xác định dòng kẻ, con chữ như thế nào là một thử thách không nhỏ. Rất nhiều phụ huynh nhắn tin chia sẻ: “Cô ơi, mẹ áp lực với con quá!”, “Cô ơi, mẹ không biết phải làm như thế nào vì mẹ chưa có con được đi học như vậy bao giờ!”, “Cô ơi, mẹ phải làm như thế nào?”, “Cô ơi, bài tập này bố/mẹ không hiểu phải hướng dẫn con thế nào?”, “Cô ơi, Tiếng Việt khó như vậy, liệu con có theo kịp không cô?,"… Thậm chí, có một vài phụ huynh theo dõi con học, không kiểm soát được cảm xúc mà la mắng con.
Đó cũng là khoảng thời gian "vượt qua chính mình" của mỗi thầy cô. Cá nhân tôi đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều để tìm ra những phương pháp, cách dạy làm sao để các em thấy hứng thú với bài học; dành thời gian gắn kết, trao đổi với phụ huynh để nắm bắt thêm thông tin của các con. Trong các tiết học đầu, tôi cho các con làm quen với nhau, trò chuyện để các con thấy thoải mái hơn. Để tránh các tiết học khô khan, khó hiểu, tôi lồng ghép kiến thức vào các hoạt động, trò chơi giúp các con thư giãn. Đồng thời, dạy các con những kỹ năng sống cần thiết như: An toàn khi ở nhà, làm gì khi ở một mình, vệ sinh cá nhân, giúp bố/mẹ làm việc nhà,… và hướng dẫn các con nề nếp khi vào học.
Tôi luôn coi các con học sinh như con của mình. Cũng giống như bao bố mẹ, tôi luôn mong các con có tư duy, ngoan ngoãn, tiến bộ và thành công. Tôi nghĩ, khi hết mình với các em, trao cho các em trái tim chân thành thì chắc chắn mình sẽ nhận được “quả ngọt”.
Để con phát triển tốt, ngoài sự sát sao của thầy cô thì sự đồng hành của gia đình là vô cùng quan trọng. Hàng năm, bên cạnh các cuộc họp phụ huynh do nhà trường tổ chức, các lớp tôi chủ nhiệm cũng đều có những buổi gặp mặt để các bố mẹ có thể nói hết những suy nghĩ, tâm tư, những lo lắng và nguyện vọng khi con đi học. Khi phụ huynh được chia sẻ, họ sẽ thấy thoải mái hơn và tôi sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Đồng thời, tôi cũng chia sẻ với phụ huynh những kinh nghiệm trong suốt nhiều năm ở vị trí giáo viên chủ nhiệm, đưa ra những trường hợp cụ thể để các bậc phụ huynh thấy được rằng tâm lý của các con và của phụ huynh là hết sức bình thường.
Thật tự hào khi tôi nhìn thấy từng thế hệ học sinh FPT nề nếp, trách nhiệm với việc học, biết giúp đỡ gia đình, tự tin chia sẻ, kể chuyện, tiến bộ trong việc đọc – viết... có những em còn xung phong đánh đàn và hát cho các bạn nghe. Trong tiết học viết, có em còn viết dòng chữ: “Cô Thủy là nhất!”, “Con yêu cô!” khiến tôi vô cùng xúc động. Với học sinh hay cáu giận, con đã thay đổi rất nhiều, con đã biết giữ bình tĩnh, mở lòng chia sẻ với cô và các bạn.
Hạnh phúc của tôi là khi nhận được sự tin yêu của các con học sinh, được lắng nghe các em trò chuyện, chia sẻ suy nghĩ. Đó có thể là những câu chuyện vô tư, ngây ngô, nhưng mang đến cho tôi nhiều động lực. Những câu chuyện các em kể: buồn có, vui cũng có, nhờ đó, tôi hiểu các con và có thể giúp các con tiến bộ từng ngày.
Cô giáo Lê Thị Thủy - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2 (2021-2022) FPT Schools